Doanh nghiệp giảm chi phí lưu kho bãi, giảm thời gian chờ kiểm dịch.
Lợi 1-2 USD, mất 4-5 triệu đồng
Gần hai năm ròng, Công ty Cổ phần Chế biến Xuất nhập khẩu Thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu (Baseafood) đã nhập khẩu trên 3.000 tấn xương cá tuyết muối kèm bong bóng và thịt cá để chế biến và xuất khẩu ngược ra nước ngoài. DN được mang nguyên liệu về kho trong khi chờ kiểm dịch. Mọi việc đang suôn sẻ, đùng một cái, tháng 8-2016, Cơ quan Thú y vùng VI ban hành công văn hướng dẫn khai báo kiểm dịch theo hướng kiểm dịch trước, mang hàng về sau.
Công ty này đã phải làm đơn gửi VASEP cầu cứu vì cho rằng việc để hàng tại cảng chờ kiểm dịch sẽ làm phát sinh chi phí lưu kho, lưu bãi khá lớn khiến DN bị thiệt hại. Hơn nữa, việc neo hàng ở cảng có thể ảnh hưởng đến chất lượng hàng do các container không được thường xuyên kiểm tra độ lạnh.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho biết nguyên liệu phải nhập khẩu là những loại thủy sản mà Việt Nam không có hoặc không đủ nguyên liệu, hoặc hàng trong nước giá cao. Ví dụ, DN thủy sản Việt Nam hiện nhập tôm nguyên liệu từ Ấn Độ, Ecuador về để chế biến xuất khẩu. Tôm này nuôi theo dạng tự nhiên, ít dùng kháng sinh, tỉ lệ nuôi thành công cao nên giá bán ra khá rẻ. Giá nhập về tới kho Việt Nam thấp hơn giá tôm mua trong nước 1-2 USD/kg tùy loại. Tuy nhiên, DN mất thêm chi phí lưu hàng ở cảng thì bị lỗ, vì đơn hàng và giá cả đã chốt trước đó mà không lường “cú đấm” của Thông tư 26/2016.
Đại diện một DN thủy sản cho hay cứ mỗi container lạnh lưu ngoài cảng trong năm ngày có thể “ngốn” 4-5 triệu đồng. Có trường hợp nhập 20 container phải để ở cảng, tốn gần 100 triệu đồng chi phí lưu kho, lưu bãi, tiền điện...
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Cà Mau. Ảnh: Lê Nguyễn |
Bớt một gánh nặng
“Ngoài việc tốn chi phí thì đáng lo ngại hơn là DN để hàng ở cảng thì cơ quan thú y cũng không đủ nhân lực để kiểm dịch nhanh cho DN, ảnh hưởng tiến độ đơn hàng, ảnh hưởng cả chất lượng nguồn nguyên liệu” - ông Lĩnh chia sẻ.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho biết quy định yêu cầu để hàng tại cảng chờ kiểm dịch đã thực sự gây bất ngờ, khiến DN không kịp trở tay. Do đó, VASEP có công văn kiến nghị Cục Thú y gỡ vướng và cho phép DN đưa hàng về kho chờ kiểm dịch như cách làm trước đó.
Ông Hòe cho biết đến cuối tháng 10, Bộ NN&PTNT đã gửi công văn đồng ý để DN đưa hàng thủy sản đông lạnh nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất xuất khẩu về kho bảo quản của DN để thực hiện việc kiểm dịch theo quy định. Quyết định này của Bộ NN&PTNT đã giảm bớt ách tắc, khó khăn về chi phí lưu kho, lưu bãi cho các DN nhập khẩu thủy sản.
DN sẽ được chuyển hàng về kho của mình nhưng yêu cầu kho bảo quản đủ điều kiện vệ sinh thú y. DN phải tự chịu trách nhiệm bảo quản hàng hóa và không được đưa hàng vào sử dụng khi chưa có kết quả kiểm dịch.
Ông Phạm Hải Long, Tổng Giám đốc Agrex Sài Gòn, cho biết có tình trạng một số DN lợi dụng chính sách đưa hàng về để tuồn hàng chưa kiểm dịch ra tiêu thụ. Tuy nhiên, tình trạng này không đáng kể, Bộ có thể kiểm soát bằng các kỹ thuật thích hợp. “Ví dụ, DN nào uy tín, hoạt động lâu năm, chưa từng vi phạm, có đầu tư kho bãi đàng hoàng, có kho đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y... thì được mang hàng về kho bảo quản. DN nào làm bậy thì cứ phạt nặng, bêu tên lên để cảnh báo. Quy định và chính sách nên nhắm đến tạo thuận lợi cho số đông DN làm ăn chân chính chứ đừng vì một vài DN vi phạm mà siết cả ngành, khiến DN tốt bị vạ lây” - ông Long góp ý.
Chính sách "giật cục" Cách đây sáu năm, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1152/TTg-KTTH chỉ đạo áp dụng chế độ kiểm dịch trước khi thông quan hàng hóa, không cho thông quan trước - kiểm tra sau. Bởi lẽ tình hình lúc đó có nhiều lô hàng nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng... Khi thực hiện kiểm dịch trước - thông quan sau, DN gặp nhiều bất lợi. Nhất là những thời điểm hàng đông lạnh nhập dồn dập cùng lúc, các cảng có khả năng quá tải trong khi các container hàng lạnh cần nguồn điện giữ nhiệt độ ổn định. Vì vậy, năm 2012 VASEP đã kiến nghị cho DN đưa hàng về kho chờ kiểm dịch. Từ đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài chính cho phép các DN đưa hàng về kho bảo quản, áp dụng thông suốt trong bốn năm qua. Bỗng dưng Cơ quan Thú y vùng VI (Cục Thú y) ra công văn về kiểm dịch. Theo đó sẽ tái lập kiểm dịch trước - thông quan sau. Khi VASEP kiến nghị thì Cục Thú y cho rằng công văn kiểm dịch này dựa trên công văn chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hồi... sáu năm trước. Đây không phải lần đầu tiên DN hứng chịu tổn thất từ các quy định, chính sách "giật cục", không hợp lý. Ngành dệt may cũng từng chịu đựng quy định về kiểm định formaldehyt và amin thơm. Những đòi hỏi về kiểm tra chất lượng hàng là cần thiết nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, đòi hỏi đó phải phù hợp thực tiễn và thực thi. Trong câu chuyện dệt may, nguồn nguyên liệu nhập khẩu để làm hàng xuất khẩu thì bị kiểm tra rất gắt, rất tốn kém nhưng số vụ vi phạm là rất hiếm. Mặt khác, hàng may mặc trong nước lại từ nhiều nguồn không kiểm soát, không rõ xuất xứ nên cũng không qua kiểm tra. Sau nhiều năm kiến nghị, DN dệt may cũng được bỏ việc kiểm tra này. Tương tự, việc nhập nguyên liệu thủy sản cũng phải đảm bảo chất lượng để an toàn cho người tiêu dùng. Nhưng cách đảm bảo bằng “giam” hàng lại gây tốn kém nặng nề cho phía DN. 900 triệu USD thủy sản nhập khẩu trong 10 tháng đầu năm 2016. Sản phẩm chế biến từ nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu được xuất đi Mỹ. |
Theo Quang Huy ( Pháp luật TPHCM)