Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa phát hành thành công hơn 500 triệu cổ phiếu, qua đó nâng vốn điều lệ lên 17.558 tỷ đồng, vốn tự có lên gần 34.000 tỷ đồng.
Cụ thể, từ ngày 17/2 đến 27/4/, SHB chào bán thành công gần 300,8 triệu cổ phiếu. Trong quý 1, ngân hàng này đã phát hành hơn 251 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức với tỷ lệ 20,9% của hai năm 2017 và 2018.
Việc tăng vốn điều lệ nằm trong kế hoạch phát triển của SHB, được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên SHB năm 2019. Cổ tức SHB năm 2019 sẽ được chia muộn nhất vào quý 3/2020, sau khi được thông qua tại ĐHĐCĐ với tỷ lệ 11% .
Tăng vốn điều lệ sẽ nền tảng để SHB hoàn tất toàn bộ các trụ cột của Basel II trong năm 2020. Trong hoạt động NH, việc nâng vốn có ý nhĩa giúp NH tăng cường năng lực tài chính, năng lực quản trị, nâng cao khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ.
Hồi đầu tháng 2/2020, NHNN cũng đã chấp thuận cho NH TMCP Quân đội - MBBank (MBB) tăng vốn điều lệ 23.727 tỷ đồng lên 24.417 tỷ đồng theo đề nghị tăng vốn điều lệ đợt 2 năm 2019.
Trước đó, cuối 2019, hàng loạt ngân hàng tạo nên làn sóng tăng vốn trước khi chuẩn Basel II được áp dụng với trụ cột thứ nhất. NH TMCP Bắc Á - BacABank (BAB) nâng vốn điều lệ từ 5.500 tỷ đồng lên 6.500 tỷ đồng. Nhiều NH cũng đã tăng vốn trong năm 2019 như ABBank, BIDV, LienVietPostBank, Vietcombank, MBBank, VIB, OCB, NamABank,...
Với nguồn vốn mới, năm 2020 SHB sẽ chính thức hoàn tất đầy đủ 3 trụ cột của Basel II, để nâng cao năng lực tài chính, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, đồng thời đảm bảo tuân thủ quy định của cơ quan quản lý và tiến tới đáp ứng các thông lệ quốc tế tiên tiến về quản trị rủi ro.
Để đạt được các yêu cầu của Basel II, các ngân hàng sẽ phải vượt qua sự đánh giá nghiêm ngặt của NHNN về mức độ phù hợp với thông tư 13. Đặc biệt, NHNN đánh giá cao về cơ cấu quản trị, hệ thống chính sách quản trị rủi ro, công nghệ thông tin mà SHB đã đáp ứng được.
Theo các chuyên gia, việc thực hiện Basel II là bước đi chiến lược đối với NH, giúp hệ thống NH khỏe mạnh và ổn định; đòi hỏi NH cần đầu tư nguồn lực về chất lượng dữ liệu, nguồn nhân lực song sẽ đạt được rất nhiều lợi ích. Những NH thực hiện Basel II đồng nghĩa với việc uy tín của NH tăng lên, xếp hạng tín nhiệm toàn cầu tốt hơn, có cơ hội tiếp cận nguồn vốn dồi dào hơn và chi phí rẻ hơn.
Chỉ trong vòng 3 tháng qua, cổ phiếu SHB của NH Sài Gòn - Hà Nội đã tăng khoảng 3 lần, từ mức dưới 6.000 đồng/cp lên mức 16.000-18.000 đồng/cp như hiện tại. Đây là một tốc độ hiếm có trên TTCK.
Trong năm 2019, SHB đã đạt kết quả tăng trưởng tích cực với lợi nhuận đạt 3.077 tỷ đồng, ROE đạt 17,56%, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 11,7%. Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ với tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh về mức 1,8%. Việc SHB đã mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC trước thời hạn và từ đó SHB đã hội đủ điều kiện để chia cổ tức theo quy định của NHNN.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 8/5, chỉ số VN-Index chịu áp lực trước ngưỡng 800 điểm. Các cổ phiếu blue-chips phân hóa.
Theo BSVS, VN-Index dự báo sẽ gặp áp lực rung lắc, điều chỉnh khi thử thách vùng kháng cự mạnh 800-820 điểm trong phiên cuối tuần. Nếu tiếp tục vượt qua vùng kháng cự quan trọng này, chỉ số sẽ có cơ hội bước vào nhịp tăng điểm mới với đích đến 860-880 điểm trong thời gian tới. Hoạt động bán ròng kéo dài của khối ngoại sẽ là yếu tố có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và có thể tạo áp lực chốt lời khi chỉ số tiếp cận vùng kháng cự mạnh, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường tương đối thiếu vắng thông tin hỗ trợ.
Thêm vào đó, việc các doanh nghiệp có thể phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020 do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng sẽ là yếu tố có thể tác động không tốt đến diễn biến giá cổ phiếu.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/5, VN-Index tăng 13,95 điểm lên 796,54 điểm; HNX-Index tăng 1,65 điểm lên 108,31 điểm. Upcom-Index tăng 0,02 điểm lên 52,37 điểm. Thanh khoản đạt 4,9 ngàn tỷ đồng.
Theo V. Hà (VietNamNet)