Người lao động phấn khởi khi nhận thưởng Tết. Ảnh: Hồng Vĩnh |
Với mức thưởng này, phần lớn trong số 25 nghìn công nhân đang làm việc tại Cty sẽ nhận được mức thưởng khoảng 15 triệu đồng.
Với 21 nghìn công nhân, tổng mức thưởng Tết năm nay của Cty Pouchen Việt Nam (TP Biên Hòa, Đồng Nai) khoảng 150 tỷ đồng. Đại diện Cty cho biết, dự kiến công nhân nhận tiền vào ngày 10/1. Chị Nguyễn Thị Lý, một công nhân cho biết, Cty đưa ra các mức thưởng Tết theo tiêu chí: Đủ một năm đến dưới 12 năm lao động được thưởng theo hệ số 1.1. Với trên 12 năm lao động tại Cty, chị Lý sẽ nhận được mức thưởng 12 triệu đồng. Với 18 năm hoạt động, lượng công nhân có thâm niên lao động trên 12 năm tại Cty Pouchen lên đến trên 10 nghìn người.
Thưởng Tết sớm, công nhân có điều kiện mua sắm. Ảnh: Hồng Vĩnh |
Chị Trần Thị Phượng, công nhân Cty may G.V ở quận 7, TPHCM cho biết năm 2014, do kinh tế khó khăn nên công nhân được tặng áo từ Cty làm quà. “Năm nay lãnh đạo Cty cho biết sẽ thưởng một tháng lương cơ bản cùng quà là áo ấm. Vậy cũng ấm lòng”- chị Phượng nói.
Ngoài thưởng Tết, nhiều Cty cũng hỗ trợ tiền vé xe hai chiều cho công nhân về quê. Ngoài thưởng, Cty Taekwang Vina hỗ trợ công nhân 50% giá trị vé xe về quê, không hạn chế số lượng công nhân. Công đoàn Cty cũng sẽ trao quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Chị Lê Thị Dung, 26 tuổi, công nhân Cty Pouyuen Việt Nam (KCN Tân Tạo, TPHCM) cho biết, Cty đã có thông báo tiền thưởng Tết đến công nhân. “Người nào làm được hai năm trở lên nhận mức thưởng thâm niên hơn 4 triệu đồng”- chị cho biết. Theo chị Dung, mức thưởng năm nay ngang năm ngoái. Tuy nhiên, trong điều kiện đơn hàng gặp khó, kinh tế chưa khởi sắc nhưng Cty vẫn đảm bảo được mức thưởng và chế độ là cả một nỗ lực.
Trao đổi với PV, ông Bùi Thanh Nhân- Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương cho biết, các số liệu ban đầu cho thấy mức thưởng ở một số đơn vị đã cao hơn năm trước. Ngoài việc các Cty chủ động đưa công nhân về quê ăn Tết, Liên đoàn Lao động Bình Dương cũng hỗ trợ vé xe đưa đoàn viên công đoàn, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết.
“Năm nay, chúng tôi dự kiến đưa khoảng 1.220 công nhân có hộ khẩu ở các tỉnh từ Phú Yên đến Hà Nội về quê đón Tết”- ông Nhân cho biết. Đây là năm thứ 5 tỉnh thực hiện chương trình này.
Ông Trần Công Khanh - Chánh văn phòng Ban quản lý các KCX và KCN TPHCM (Hepza) cho biết, đã có 247 doanh nghiệp báo cáo thưởng Tết gửi lên Hepza với 11 doanh nghiệp nhà nước, 111 doanh nghiệp trong nước và 125 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cty có mức thưởng cao nhất đến hiện tại là 457 triệu đồng thuộc về doanh nghiệp trong nước không có vốn đầu tư nhà nước.
“Doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước có mức thưởng Tết cao nhất tính đến thời điểm hiện tại là 64 triệu đồng, thấp nhất là 2,9 triệu đồng. Doanh nghiệp trong nước không có vốn đầu tư nhà nước thưởng thấp nhất là 2,86 triệu đồng. Doanh nghiệp FDI có mức thưởng cao nhất hiện tại là 191 triệu đồng, thấp nhất 3 triệu đồng”, Ông Khanh cho biết.
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội dệt may - Thêu đan TPHCM: Năm 2014, các doanh nghiệp có nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì mức thưởng Tết như năm ngoái vì phải đảm bảo tháng lương 13 như quy định đồng thời phải chăm lo đời sống cho người lao động. Trong năm 2015, ngành dệt may sẽ có nhiều cơ hội khi đón đầu các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nếu không quan tâm chăm sóc người lao động thì khi cơ hội đến doanh nghiệp cũng không thể nắm bắt được. TS Võ Trí Thành - Viện phó Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư: Trong năm qua, một số lĩnh vực kinh tế đang có đà phục hồi như xuất khẩu, nông sản, nông nghiệp… nhưng nhìn chung vẫn còn rất nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải đi vay để trả lương thưởng cho công nhân sau đó làm để bù lại. Sức cạnh tranh của doanh nghiệp có được nâng lên hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề cải cách, như cải cách về thể chế, trong đó có cải cách về vấn đề tiền lương cho người lao động. Đại Dương |