Vải muộn vẫn đang được thu hoạch tại một số xã vùng cao của huyện Lục Ngạn nhưng giá bán chỉ bằng 1/2 so với năm trước. Ảnh: Giang Huy |
Lúc này đã gần kết thúc vụ thu hoạch, song tại một số xã vùng cao Tân Sơn, Biên Sơn, và Hồng Giang - khu vực được quy hoạch trồng theo tiêu chuẩn VietGap, việc thu hái và tiêu thụ vải muộn vẫn đang được một số doanh nghiệp cấp tập triển khai.
Là một trong số ít doanh nghiệp trực tiếp tham gia giải cứu vải muộn cho các xã còn lại, lãnh đạo Công ty nông sản Đại Việt cho biết hiện còn khoảng trên dưới 20.000 tấn vải muộn. Chưa kể đến lượng tồn khoảng 10.000 tấn tại xã Hồng Giang.
"Đến hết ngày 6/7, doanh nghiệp tiêu thụ được khoảng 10.000 tấn, chúng tôi dự kiến sớm nhất phải đến 15/7 mới có thể cơ bản tiêu thụ số còn lại để hoàn tất vụ vải cho bà con", đại diện Đại Việt cho hay.
Việc thu mua và tiêu thụ vải muộn đang diễn ra chậm hơn so với kế hoạch trong đó một phần do thời tiết nắng nóng, nên trong ngày chỉ có thể thu hoạch hai lần, buổi sáng từ 3 giờ đến 8 giờ và chiều từ 16 giờ đến 20 giờ tối.
"Mỗi ngày, có hơn 400 hộ trồng cùng hái nhưng vẫn không kịp để doanh nghiệp đóng thùng. Chúng tôi đang tính đến phương án nhờ sự hỗ trợ của một đơn vị bộ đội đóng tại địa phương tham gia thu hoạch may ra mới kịp. Doanh nghiệp đã đề xuất và đang đợi phản hồi từ lãnh đạo đơn vị", vị này chia sẻ.
Vải Lục Ngạn đang được thu mua với 3 mức. Vải xấu, quả rụng được bán 3.000-4.000 đồng một kg, chủ yếu làm nguyên liệu để sấy khô. Loại 2 có giá 8.000-9.000 đồng và loại đẹp nhất dao động 10.000-12.000 đồng mỗi kg. Tuy nhiên, Đại Việt vẫn áp dụng mức giá vải xô tại vườn là 15.000 đồng một kg. Sau khi vận chuyển về các địa phương, giá bán được niêm yết 18.000-22.000 đồng mỗi kg tùy chi phí vận chuyển.