Thương lái Trung Quốc giở trò "ma" với tôm hùm

04/12/2015 07:20:43

Độc quyền làm giá tôm hùm Việt Nam, thương lái Trung Quốc liên tục giở các trò "ma", ngang nhiên ép giá một cách vô lý.

Độc quyền làm giá tôm hùm Việt Nam, thương lái Trung Quốc liên tục giở các trò "ma", ngang nhiên ép giá một cách vô lý.

Đặc biệt, người nuôi phải uất ức chấp nhận bán tôm loại một thấp giá hơn tôm loại hai, ba hoặc bán xô theo sự ép giá của thương lái Trung Quốc (TQ).

“Kích” hàng lên nhiều để mua rẻ

Ngày 3-12, giá tôm hùm thương phẩm loại một (mỗi con nặng từ 1 kg trở lên) tại TP Cam Ranh (Khánh Hòa) chỉ còn 1,35-1,4 triệu đồng/kg, thấp hơn 400.000-600.000 đồng/kg so với cùng thời điểm những năm trước.

Trong khi đó, tôm loại hai (mỗi con nặng từ 0,8 đến dưới 1 kg) lại có giá cao hơn, hiện ở mức 1,55 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, hầu hết người nuôi đều chỉ có tôm loại một nên phải chấp nhận bán tháo, lỗ nặng.

Theo nhiều người nuôi tôm ở xã Cam Bình, TP Cam Ranh, hồi đầu năm nay giá tôm hùm loại một ở mức 1,7-1,8 triệu đồng/kg, trong khi tôm loại hai, ba chỉ bán được trên-dưới 1 triệu đồng/kg. Thấy vậy, hầu hết người nuôi đều giữ tôm lại, đầu tư thức ăn, thúc tôm tăng trọng lên loại một nhằm bán được giá.

“Bây giờ, khi hầu hết tôm đã đạt loại một thì các đầu nậu nói chỉ ưu tiên mua tôm loại hai, ba trong khi người nuôi không còn các loại này. Không còn nơi để bán và cũng không thể giữ lại vì chi phí thức ăn quá cao nên chúng tôi đành cắn răng bán lỗ” - ông Nguyễn Trường Thành, người nuôi tôm ở xã Cam Bình, than thở.

Tôm hùm được mùa nhưng bị ép giá bởi thương lái TQ giở trò. Ảnh: T.LỘC

Nhiều người nuôi tôm ở Cam Ranh cho biết trước đây giá tôm hùm thường tăng cao vào cuối năm do thị trường TQ có nhu cầu lớn vào dịp tết dương lịch, tết âm lịch. Do đó phần lớn người nuôi giữ tôm, chăm sóc chờ xuất bán vào dịp cuối năm. Nghịch lý là hiện đã gần cuối vụ nhưng giá tôm lại rớt thấp nhất trong nhiều năm qua.

Chia sẻ thông tin này, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cam Ranh, cho biết thêm: “Tôi đã trực tiếp hỏi một người mua tôm hùm bán lại cho thương lái TQ vì sao có chuyện nghịch lý vậy. Họ nói thương lái TQ giải thích hiện nay đang là mùa cưới ở nước này, các nhà hàng chỉ mua tôm hùm có trọng lượng nhỏ để làm có lãi nên mới mua tôm loại hai giá cao hơn loại một”.

Ai mà tin được

Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra tại huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Nhiều người nuôi tôm ở các địa phương này khẳng định đây là lần đầu tiên xảy ra chuyện nghịch lý tôm loại một có giá thấp hơn tôm loại hai.

Bà Ngô Thị Lâm, người nuôi tôm ở xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, bức xúc: “Đây là chiêu trò ép giá ngang ngược của các thương lái TQ. Thông thường giá tôm cao vào cuối năm nhưng bây giờ thấy mình chỉ còn tôm loại một thì nó nói chỉ mua tôm loại hai, ba để ép giá. Ai mà tin được thương lái TQ”.

Trong khi đó tại TP Quy Nhơn (Bình Định), hiện các thương lái TQ mua gom tôm hùm theo kiểu đổ đồng, còn gọi là mua xô, không phân loại, với giá 1,1-1,2 triệu đồng/kg, thấp hơn 300.000-500.000 đồng/kg so với cách đó vài tháng.

“Do không biết bán cho ai, dù ức lắm nhưng tụi tui đành chấp nhận bán xuất tôm lớn theo giá xô. Bỏ mấy tháng đầu tư giờ bị lỗ nặng” - ông Trần Hữu Chương (ngụ thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải) chia sẻ.

Bức xúc lắm

Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, tỉnh này có số lồng nuôi tôm hùm thương phẩm lớn nhất duyên hải miền Trung với hơn 25.000 lồng, sản lượng trên 650 tấn mỗi năm và hầu hết đều xuất bán sang TQ theo đường tiểu ngạch.

“Tình trạng thương lái TQ ép giá người nuôi tôm xảy ra thường xuyên, bức xúc lắm! Cái trò phổ biến nhất của thương lái TQ là mỗi khi thấy người dân Việt Nam thu hoạch rộ sản phẩm nào đó, họ cho người đi khảo sát, mua mẫu rồi cứ sản phẩm nào thu hoạch được ít nhất thì họ mua giá cao nhất, còn loại nào nhiều nhất thì mua giá thấp nhất” - ông Phương nói.

Cũng theo ông Phương, không chỉ tôm hùm mà nhiều mặt hàng bán cho thương lái TQ đều bị ép giá. Họ liên kết, giao tiền cho các đầu nậu đi mua hàng theo giá khống chế của họ rồi về giao hàng cho họ. Khổ nỗi là do không còn người mua nào khác nên người dân đành phải chấp nhận bán rẻ chứ chẳng lẽ thu hoạch lên để đó!

Ông Võ Thiên Lăng, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa, cho biết hơn 80% sản lượng của trên 19.000 lồng tôm hùm thương phẩm ở Khánh Hòa cũng xuất bán sang TQ theo đường tiểu ngạch. Mỗi khi thị trường này có sự cố, lập tức hàng bị dội lại ngay và người nuôi lãnh đủ.

“Việc xuất khẩu tiểu ngạch vừa mất nguồn thu thuế, lại không kiểm soát được giá cũng như cơ cấu vụ nuôi hợp lý. Do đó chúng ta luôn thiệt thòi trong cán cân xuất khẩu, vận hành thị trường” - ông Lăng nói.

Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, hiện nay giá tôm thương phẩm của Việt Nam hoàn toàn lệ thuộc vào thị trường TQ và do các thương gia nước này đứng sau các đầu nậu điều phối, quyết định.
 

Không thể can thiệp được

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo ngành NN&PTNT, chính quyền các địa phương có nuôi tôm hùm đều cho rằng rất khó và chưa thể can thiệp, ngăn chặn tình trạng thương lái TQ ép giá tôm, gây điêu đứng người nuôi. Bởi đây là việc mua bán trực tiếp của người dân, không thông qua các cơ quan quản lý nhà nước.

“Việc can thiệp để hỗ trợ người dân là rất khó, nằm ngoài khả năng của ngành nông nghiệp. Mới đây, Bộ NN&PTNT tổ chức cuộc họp về tiêu thụ tôm hùm ở TP Nha Trang cũng nêu vấn đề này ra ghê lắm! Theo tôi, cần có một số doanh nghiệp Việt Nam mạnh, nhảy ra nắm thị trường thì may ra chứ kiểu này mình vẫn bị phụ thuộc!” - ông Nguyễn Tri Phương bày tỏ.

Còn ông Hổ chia sẻ: “Trước mắt, ngành nông nghiệp chỉ tuyên truyền, giải thích để người dân kịp thời nắm thông tin, cảnh giác với các thủ đoạn của thương lái TQ”.

Giở lại trò cũ

Theo ông Ngô Đức Tình, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải - TP Quy Nhơn, cách đây ba năm người nuôi tôm hùm ở địa phương này cũng đã bị các thương lái TQ ép giá với phương thức tương tự như năm nay nhưng người nuôi không nghĩ họ giở lại trò cũ.

Theo Tấn Lộc (Pháp Luật TP HCM)

Nổi bật