Thuế là giải pháp ngắn hạn
Bộ Tài chính vừa đề xuất giảm từ 500-1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, nhằm ổn định giá xăng dầu trong nước trước biến động của giá thế giới.
Bộ Tài chính cho rằng: Hiện nay, so với nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của nước ta hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung, nhất là sau khi mức thuế BVMT được điều chỉnh giảm theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 của UBTVQH. Tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước chủ yếu trong khoảng 40% - 55% đối với xăng và 35% - 50% đối với dầu (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn).
Trong khi đó, ở Việt Nam, với mức thuế bảo vệ môi trường đang được giảm theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 thì tỷ trọng thuế đối với xăng E5RON92 khoảng 23,46%, đối với xăng RON95 khoảng 24,11% và đối với dầu diesel khoảng 12,77% (tính tại kỳ điều hành ngày 13/6/2022).
"Để giảm giá xăng dầu, về cơ bản có thể sử dụng giải pháp điều chỉnh chính sách thuế, tuy nhiên đây là giải pháp tình thế chỉ nên áp dụng trong ngắn hạn vì giá xăng dầu trong nước có tính biến động và phụ thuộc chủ yếu vào giá xăng dầu thế giới", Bộ Tài chính đưa ra ý kiến.
Qua nghiên cứu phản ứng chính sách của các nước cho thấy, để giảm thiểu tác động tiêu cực do giá xăng dầu tăng cao, Bộ Tài chính cho biết các nước đã thực hiện điều chỉnh chính sách thuế tùy thuộc vào bối cảnh cụ thể của từng nước như sau:
Đối với biện pháp giảm thuế, Bỉ giảm thuế GTGT khí đốt xuống 6% từ ngày 01/4/2022 đến ngày 30/9/2022; Croatia (giảm thuế GTGT đối với khí đốt và nhiệt từ 25% xuống 13%); Ba Lan (thuế suất thuế GTGT đối với xăng và dầu diesel giảm từ 23% xuống 8% trong 6 tháng từ ngày 01/2/2022);...
Nhiều nước cũng giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Úc (giảm 50% thuế TTĐB đối với nhiên liệu, từ 0h ngày 29/3/2022 đến ngày 28/9/2022); Thái Lan (giảm 3 bạt/lít thuế TTĐB đối với xăng từ ngày 18/02/2022 đến ngày 20/5/2022 và giảm 5 bạt/lít thuế TTĐB đối với dầu diesel từ 20/5/2022 đến ngày 20/7/2022); Hà Lan: giảm thuế TTĐB đối với xăng và dầu diesel xuống 21%); Ai Len (giảm thuế TTĐB đối với xăng và dầu diesel lần lượt là 20 cent/lít và 15 cent/lít);...
Ngoài các biện pháp ứng phó về thuế, một số quốc gia đưa ra biện pháp trợ giá năng lượng khi giá năng lượng tăng cao[1]. Biện pháp này như một khoản trợ cấp từ ngân sách nhà nước (NSNN) cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng do chi phí nguyên nhiên vật liệu tăng cao và người dân, đặc biệt là những người thuộc nhóm thu nhập thấp và trung bình.
Một số quốc gia đưa ra gói hỗ trợ các hộ gia đình bị tổn thương thông qua giải pháp hỗ trợ bằng tiền mặt (Đan Mạch, Đức, Na Uy, Anh…); gói hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà buôn bán dầu (Nhật Bản).
Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh thuế đối với mặt hàng xăng dầu cũng cần phải được cân nhắc, tính toán cẩn trọng trên nhiều mặt, đảm bảo không làm sai lệch vai trò, chức năng của từng sắc thuế đang thu đối với mặt hàng xăng dầu.
Chưa giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng
Đối với thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (FTA), Bộ Tài chính cho biết: Mức thuế suất FTA đối với xăng dầu đang thực hiện ở Việt nam là 8% đối với xăng và 0% đối với dầu, đảm bảo theo đúng cam kết cắt giảm thuế theo các FTA. Mức thuế suất FTA là đảm bảo theo đúng cam kết cắt giảm thuế theo các FTA. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị không điều chỉnh thuế suất FTA đối với mặt hàng xăng dầu trong khuôn khổ các FTA và thực hiện theo đúng lộ trình cam kết hiện hành. Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính cũng có ý kiến với những đề xuất giảm thuế này.
Theo quy định của Luật thuế TTĐB thì chỉ thu thuế TTĐB đối với xăng, không thu thuế TTĐB đối với dầu các loại. Mức thuế suất thuế TTĐB đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%. Luật thuế TTĐB không quy định giảm thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB.
Bộ Tài chính cho rằng: Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nên theo thông lệ quốc tế luôn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo số liệu thống kê , số thu thuế TTĐB đối với xăng ước thực hiện 5 tháng đầu năm 2022 là khoảng 6.503 tỷ đồng.
Bộ Tài chính tính toán: Nếu giá dầu thế giới 7 tháng cuối năm 2022 bình quân khoảng 110USD/thùng thì số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng 7 tháng cuối năm 2022 ước khoảng 9.614 tỷ đồng. Khi đó, tổng số thu thuế TTĐB đối với xăng cả năm 2022 dự kiến khoảng 16.117 tỷ đồng.
Nếu giá dầu thế giới 7 tháng cuối năm 2022 bình quân khoảng 120USD/thùng thì số thu thuế TTĐB đối với xăng 7 tháng cuối năm 2022 ước khoảng 10.488 tỷ đồng (bình quân 1.498 tỷ đồng/tháng). Khi đó, tổng số thu thuế TTĐB đối với xăng cả năm 2022 dự kiến khoảng 16.991 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho rằng: Về thẩm quyền, việc thực hiện điều chỉnh đối với thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định và thường không thể áp dụng ngay, trong khi giá xăng dầu có những thời điểm biến động nhanh, thời gian ngắn, nên sẽ có độ trễ nhất định.
Từ những lý do nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị trước mắt không thực hiện điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Bộ Tài chính cho hay sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục theo dõi diễn biến giá xăng dầu trên thế giới và sẽ trình Chính phủ để trình Quốc hội phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng cho phù hợp, dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng, biến động khó lường, ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu mà cần tiếp tục giảm thuế đối với mặt hàng xăng để góp phần kiềm chế lạm phát.
Theo Lương Bằng (VietNamNet)