Thuế thu nhập cá nhân tăng kỷ lục: Trung bình mỗi ngày thu 506 tỷ đồng

23/08/2022 10:22:09

Số thu từ thuế thu nhập cá nhân ngày càng tăng nhanh, tăng khoảng 11 lần trong vòng 15 năm trở lại đây. Trung bình mỗi ngày, ngành thuế thu được 506 tỷ đồng thuế thu nhập của các cá nhân, người lao động.

Như VTC News đưa tin, trong báo cáo thu ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm, Tổng cục Thuế cho biết tổng thu ngân sách đã đạt 1,0935 triệu tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 77,5% dự toán năm.

Dù mới hơn nửa năm, nhưng cơ quan thuế đã ghi nhận 3 khoản thu gần cán đích cả năm (đạt trên 90%), gồm thu từ nhà, đất (95,1%); thu cấp quyền khai thác khoáng sản (93,4%) và thu thuế thu nhập cá nhân (90,1%).

Theo đó, cơ quan thuế dự toán khoản thuế thu nhập cá nhân năm nay là 118.075 tỷ đồng, tăng 4,1% so với năm 2021. Tuy nhiên, chỉ sau 7 tháng, tổng số tiền thu từ thuế thu nhập cá nhân đã đạt trên 106.385 tỷ đồng. Số thu thuế này chiếm khoảng 9,8% tổng thu ngân sách do ngành thuế quản lý và tương đương 15,7% tổng thu nội địa.

Như vậy, trung bình mỗi ngày, ngành thuế thu được 506 tỷ đồng thuế thu nhập của các cá nhân, người lao động. Với số thu 106.527 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân đã tăng khoảng 11 lần kể từ khi luật Thuế thu nhập cá nhân ban hành vào năm 2007.

Thuế thu nhập cá nhân tăng kỷ lục: Trung bình mỗi ngày thu 506 tỷ đồng
Ảnh minh họa: Internet

Điều đáng nói, ghi nhận trên Thanh Niên, thu nhập của người dân trong năm này cũng sụt giảm nhưng số thu thuế thu nhập lại tăng. Theo dữ liệu khảo sát mức sống dân cư năm 2021 (KSMS 2021) được Tổng cục Thống kê công bố, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 vẫn tiếp tục giảm so với năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19.

Trước năm 2019 thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng, tuy nhiên sau 2019 do tác động tiêu cực của Covid-19, thu nhập có xu hướng giảm dần. Tốc độ giảm thu nhập ở khu vực thành thị nhiều hơn so với khu vực nông thôn.

Cụ thể, so với năm 2020, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2021 ở khu vực thành thị giảm 3,6%, trong khi thu nhập bình quân 1 người 1 tháng ở khu vực nông thôn không thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, cơ cấu thu nhập vẫn chuyển dịch theo hướng ngày càng tiến bộ hơn với tỷ trọng các khoản thu từ tiền công, tiền lương tăng dần từ năm 2010 đến nay, từ 44,9% năm 2010 lên đến 56,7% năm 2021. Ngược lại, tỷ trọng thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thủy sản có xu hướng ngày càng giảm, từ 20,1% năm 2010 xuống còn 10,8% năm 2021.

Với kết quả thu thuế thu nhập cá nhân 7 tháng năm 2022 như kể trên, số thu thuế thu nhập cá nhân năm 2022 dự kiến sẽ phá kỷ lục các năm trước.

Hiện nay, nhiều ý kiến tiếp tục đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu nâng mức giảm trừ gia cảnh và mức giảm trừ với người phụ thuộc lên cho phù hợp với diễn biến giá cả leo thang từ 1-2 năm nay.

Theo các chuyên gia kinh tế, mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu hay, 15 triệu hay 20 triệu không quan trọng. Vấn đề là phải làm sao để biến mỗi người nộp thuế là một cán bộ thuế. Khi đó, sẽ hạn chế tối đa việc trốn thuế và đảm bảo nguồn thu sẽ tăng chóng mặt. Cụ thể, hãy cho phép người dân được trừ vài phần trăm số tiền kê khai các khoản chi tiêu hợp lý.

“Cơ quan thuế có thể giữ nguyên mức giảm trừ, nhưng cho trừ một tỷ lệ phần trăm thực chi nếu có chứng từ với người phải nộp thuế. Khi đấy người người đi khai thuế, và cơ quan thuế sẽ biết được bên nào đang trốn thuế", một chuyên gia thuế góp ý trên VietNamNet.

Việc cho phép người mua hàng được trừ thuế khi có chứng từ ở mức độ nào đó sẽ góp phần mang lại nguồn lợi cho ngân sách và “bớt việc thỏa thuận, cắt chia đối với thuế khoán mà thời gian qua đang là vấn nạn”.

Với việc ngành thuế quyết liệt thực hiện hóa đơn điện tử từ 1/7/2022, cùng với tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng, ngành thuế cũng như Bộ Tài chính nên nghiên cứu phương án thu thuế thu nhập cá nhân này để vừa tăng thu ngân sách, vừa đảm bảo quyền lợi của người dân.

Thu nhập 17 triệu/tháng chưa phải đóng thuế nếu có người phụ thuộc

Theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân (thuế TNCN) hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ (nếu có)... số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN.

Với việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) cũng chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Cá nhân có thu nhập 40 triệu đồng/tháng thì số thuế TNCN phải nộp là 6,61%/thu nhập; thu nhập 60 triệu đồng/tháng thì số thuế TNCN phải nộp là 11,86%/thu nhập; thu nhập 80 triệu đồng/tháng thì số thuế TNCN phải nộp là 15,74%/thu nhập; thu nhập 100 triệu đồng/tháng thì số thuế TNCN phải nộp là 18,66%/thu nhập.

Đối với cá nhân có thu nhập ở mức cao trên 100 triệu đồng thì số thuế TNCN phải nộp mới ở tỷ lệ cao hơn 20%/thu nhập.

Cụ thể: cá nhân có thu nhập 110 triệu đồng/tháng thì số thuế TNCN phải nộp là 20,15%/thu nhập; thu nhập 150 triệu đồng/tháng thì số thuế TNCN phải nộp là 24,11%/thu nhập... (việc tính toán này với giả định cá nhân có 1 người phụ thuộc, trường hợp cá nhân có nhiều hơn 1 người phụ thuộc thì số thuế phải nộp cũng thấp hơn tương ứng).

PN (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật