Thuế thu nhập cá nhân: Mới chỉ 'túm… người có tóc'

13/03/2020 11:22:30

Trong khi người làm công ăn lương chỉ với mức thu nhập 9 triệu đồng/tháng đã thuộc đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân thì các ca sĩ, nghệ sĩ, hộ kinh doanh và người kinh doanh online… có thu nhập cả chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng/tháng nhưng ngành thuế vẫn đang loay hoay theo đuổi để truy thu tiền thuế.

Tận thu với người làm công ăn lương

Báo cáo của Tổng cục Thống kê 11 tháng năm 2019 cuối tuần qua cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 15/11 ước gần 1,3 triệu tỉ đồng. Trong đó, riêng thuế thu nhập cá nhân đã tăng tới 4 lần lên tới 97.800 tỉ đồng (năm 2010 thu chỉ đạt hơn 26.000 tỉ đồng).

Số thuế mà người làm công ăn lương đóng góp qua các năm tăng khá mạnh. Cụ thể, năm 2016 có 4,38 triệu người nộp 49.152 tỉ đồng; qua năm 2017, số lượng người nộp thuế tăng lên 4,965 triệu người và số thuế đóng lên hơn 59.264 tỉ đồng; đến năm 2018, số người đóng thuế tăng vọt lên 6,244 triệu kéo theo số thu tăng lên 73.500 tỉ đồng.

Thuế thu nhập cá nhân: Mới chỉ 'túm… người có tóc'
Thuế thu nhập cá nhân vẫn chủ yếu "đánh" vào đối tượng công chức, viên chức, người làm công ăn lương.

Nêu quan điểm về việc đánh thuế thu nhập cá nhân, anh Nguyễn Đắc Vinh là nhân viên một đơn vị sự nghiệp có thu trên địa bàn Hà Nội cho rằng, hiện việc đánh thuế thu nhập cá nhân mới chủ yếu nắm được là những người làm công ăn lương như: Công chức, nhân viên văn phòng, thậm chí công nhân... bởi tất cả thu nhập của họ đều được quản chặt và bị khấu trừ thuế trước khi chủ sử dụng lao động chi trả lương. Còn lại một bộ phận lớn những người kinh doanh, ca sĩ, nghệ sĩ, người kinh doanh online là những người có mức thu nhập cao nhưng cơ quan thuế vẫn không thu được vì không xác định được thu nhập hàng tháng.

Anh Vinh cho biết: Mỗi tháng tổng thu nhập của anh ở mức 12 triệu đồng. Sau khi trừ đi 9 triệu đồng thu nhập không chịu thuế, mức thu nhập chịu thuế của anh ở mức 3 triệu đồng, chịu thuế thu nhập cá nhân bậc 1 với mức thuế 5%. Như vậy, dù mức thu nhập không cao so với mặt bằng giá cả sinh hoạt của cuộc sống thành thị, anh vẫn phải đóng mỗi tháng 150.000 đồng/tháng thuế thu nhập cá nhân. Trong khi một quán trà đá nhỏ đầu phố trung bình mỗi tháng thu nhập của họ cũng phải từ 15 - 20 triệu đồng mà không phải chịu thuế, chưa kể những quán ăn sáng còn có thu nhập cao hơn.

"Đóng thuế là nghĩa vụ của mỗi người dân đối với đất nước nhưng việc bảo đảm công bằng giữa các đối tượng có thu nhập phát sinh phải nộp thuế là cần thiết. Vì vậy, ngành thuế phải có phương pháp quản lý, cơ sở tính thuế, cách thu thuế và hiệu quả quản lý ra sao... Nếu không sẽ tạo ra những bất công trong xã hội", anh Vinh bày tỏ.

Hộ kinh doanh đông, nộp thuế ít

Theo quy định, hộ kinh doanh được phân thành 4 nhóm ngành nghề và phải nộp mức thuế khoán khác nhau. Hộ kinh doanh thuộc nhóm thương mại thì nộp thuế 1,5% (gồm 1% thuế giá trị gia tăng (GTGT) và 0,5% thuế thu nhập cá nhân của doanh thu; ngành dịch vụ, xây dựng (không bao thầu nguyên vật liệu) thì thuế suất 7% (gồm 5% thuế GTGT và 2% thuế thu nhập cá nhân) trên doanh thu; ngành sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu thì thuế suất 4,5% (gồm thuế GTGT 3% và 1,5% thuế thu nhập cá nhân) trên doanh thu; ngành nghề, lĩnh vực khác thì thuế suất 3% (gồm 2% thuế GTGT và 1% thuế thu nhập cá nhân) trên doanh thu.

Trong năm 2017, Tổng cục Thống kê khảo sát cho ra số hộ kinh doanh cả nước lên đến 5,1 triệu hộ. Thế nhưng, Tổng cục Thuế báo cáo chỉ quản lý 1,7 triệu hộ kinh doanh cá thể. Số liệu thu thuế của Tổng cục Thuế cho thấy, số thu tuyệt đối từ hộ kinh doanh chỉ tăng nhẹ qua các năm, trong khi tính theo tỷ trọng đóng góp cho ngân sách thì lại giảm. Năm 2015, cả nước có 1,61 triệu hộ kinh doanh, chỉ nộp thuế gần 14.200 tỷ đồng, chiếm 1,9% trong tổng số thu thuế (744.800 tỷ đồng); năm 2016, số hộ kinh doanh tăng lên 1,63 triệu hộ, số nộp thuế cũng chỉ khoảng 15.570 tỷ đồng, chiếm 1,9% trong tổng số thu thuế (818.300 tỷ đồng); năm 2017, số hộ kinh doanh tăng lên thành 1,7 triệu hộ, nộp cho ngân sách khoảng 16.300 tỷ đồng, chiếm 1,66% tổng số thu thuế (919.300 tỷ đồng); và năm 2018, số hộ kinh doanh tăng đạt gần 1,8 triệu hộ, nộp khoảng 18.000 tỷ đồng, chiếm 1,6% tổng thu thuế (1.118.600 tỷ đồng).

Không chỉ khó khăn trong việc thu thuế với các hộ kinh doanh mà ngay các những người kinh doanh online ngành thuế cũng đang rơi vào tình trạng thất thu. Cuối 2019, Cục Thuế TP. Hà Nội công bố phát hiện 1 cá nhân có doanh thu 80 tỉ đồng từ hoạt động cung cấp các ứng dụng, sản phẩm qua: Google Play, Apple Store, YouTube... nhưng không kê khai nộp thuế. Sau khi phát hiện, cơ quan thuế Hà Nội yêu cầu và hỗ trợ cá nhân này kê khai nộp thuế theo quy định. Trước đó, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cũng phát hiện và truy thu thuế một chủ kênh YouTube có thu nhập hơn 19 tỉ đồng từ năm 2016 - 2018. Sau khi bị phát hiện, cá nhân này đã đồng ý nộp số thuế tương ứng 1,5 tỉ đồng... Điều đó, cơ quan thuế vẫn chỉ theo đuôi các trường hợp kinh doanh với doanh thu khủng trong khi thực tế có nhiều trường hợp tương tự chưa bị phát hiện.

"Trầy trật" thu thuế của ca sĩ

Các số liệu lộ diện cho thấy, nhiều nghệ sĩ hành nghề tại Việt Nam có mức thu nhập rất cao. Chỉ cần tham dự một sự kiện, ca sĩ hạng A đã có một khoản thù lao lên tới hàng trăm triệu đồng, hạng B cũng đã tới 70 – 80 triệu đồng/người. Diễn viên hạng A xuất hiện trên các kênh truyền hình giải trí được trả từ 40 – 50 triệu đồng/người. Một diễn viên hay MC, người mẫu hạng B đăng bài chia sẻ trên Facebook cá nhân dao động từ 35 – 55 triệu đồng. Một ca sĩ nổi tiếng hát 1 bài ở một sự kiện lớn có mức cát xê "khủng" 6.000 USD, còn chia sẻ trên Facebook cá nhân có thể lên giá 400 – 500 triệu đồng. Ngay cả ca sĩ hạng C (còn gọi là ca sĩ "hội chợ") thừa nhận "sống khỏe" khi đi hát hội chợ, hát đám cưới. Chưa kể các nghệ sĩ còn nhận được những hợp đồng quảng cáo béo bở khác…

Thuế thu nhập cá nhân: Mới chỉ 'túm… người có tóc' - 1
Ca sĩ là nghề có thu nhập "khủng" nhưng ngành thuế vẫn trầy trật thu thuế thu nhập cá nhân.

Thu nhập "khủng" nhưng không ít nghệ sĩ lại "nổi tiếng" về sự "trầy trật" trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho ngân sách Nhà nước. Tại TP. Hồ Chí Minh, năm nào, ngành thuế cũng phải truy thu thuế thu nhập cá nhân của các nghệ sĩ và luôn dao động ở mức tiền tỷ. Năm 2016, Cục Thuế thành phố đã truy thu 20 nghệ sĩ số tiền 5,3 tỷ đồng. Năm 2017, số tiền thuế truy thu là 6,6 tỷ của 12 nghệ sĩ. Năm 2018, 5 nghệ sĩ bị truy thu thuế 4,5 tỷ. Trước đó năm 2015, Cục Thuế TP. HCM lật lại hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân của 26 nghệ sĩ và truy thu 6,3 tỷ đồng. Trong 7 tháng đầu năm 2019, Cục Thuế TP đã truy thu 15 tỷ đồng tiền thuế của 15 nghệ sĩ. Người bị truy thu nhiều nhất phải nộp bổ sung 2,4 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, dư địa thuế từ "khoảng trống thu nhập" còn khá lớn.

Ông Nguyễn Thái Sơn - nguyên Trưởng phòng Thuế thu nhập cá nhân Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh bức xúc, ban soạn thảo sửa đổi quy định không những lần này mà những lần khác đều cứ chỉ lo tính đến chuyện giảm ngân sách mà không nhìn vào sự bất hợp lý của chính sách thuế thu nhập cá nhân. Những năm qua, thuế thu nhập cá nhân chỉ mới tập trung thu đối với người làm công ăn lương mà chưa khai thác các nguồn thu khác để tăng ngân sách. Ông Nguyễn Thái Sơn nhấn mạnh các khoản thu ngân sách từ những hoạt động khác như: Mua bán bất động sản, bán hàng online, hộ kinh doanh, ca sĩ, diễn viên... vẫn chưa thể khai thác hết.

TS Nguyễn Đức Thành, giảng viên Trường ĐH Kinh tế cho rằng: Việc ngành thuế không kiểm soát và áp thuế được đối với các đối tượng lao động tự do chính là sự bất công bằng. Theo TS Thành, hiện người làm nghề tự do, môi giới có thu nhập "cao ngất" thì không bị áp thuế trong khi đó thu nhập trung bình thị lại bị thuế thu nhập cá nhân "siết" chặt. Nên khi đi vào thực tế, bản sửa đổi Thuế thu nhập cá nhân sẽ gặp phải "căn bệnh" thu nhập thực tế sẽ khác xa so với tiền lương trên giấy. Có nghĩa là, khi đó, các công ty, doanh nghiệp, cá nhân sẽ ghi lương của mình thấp đi so với số lương thực mà mình được nhận.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân với mức tăng từ 9 lên 11 triệu đồng/tháng (tương đương 132 triệu đồng/năm) và người phụ thuộc từ 3,6 tăng lên 4,4 triệu đồng/tháng.

Nếu được thông qua, Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh nêu trên sẽ áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.

Theo Châu Anh (Báo Dân Sinh)