Giá các loại thực phẩm chức năng là một ma trận không ai hiểu nổi.
Cùng một mặt hàng, có nhiều loại giá chênh nhau rất lớn nhưng nghịch lý nhất là giá hàng ngoại nhập bán tại thị trường nội địa rẻ hơn rất nhiều so với bán tại nước sở tại.
Ví dụ, một lọ dầu cá Omega 3 Fish Oil 200 viên (loại 1.000 mg) hiện được bán trên siêu thị online Walgreens với giá 15 USD, cộng thêm thuế VAT khoảng 1,3 USD tổng cộng 16,3 USD.
Nhờ người quen ở Mỹ mua giùm gửi về VN theo đường hàng hóa, phí vận chuyển đối với mỹ phẩm, vitamins được tính 15 USD/kg. Lọ thuốc này nặng khoảng 0,5 kg. Như vậy, tổng tiền mua là 16,3 USD + 7,5 USD = 23,8 USD. Tỷ giá ngân hàng tính qua thẻ tín dụng quy đổi là 23.000 đồng/USD thì lọ thuốc nêu trên sẽ có giá 548.000 đồng. Tuy nhiên, sản phẩm này đang được bán tại chợ chỉ 400.000 đồng/lọ. Ngay cả khi khuyến mãi, thường giảm 20% cho tất cả các mặt hàng vitamins mua qua online, giá một lọ Fish Oil khi về đến tay người tiêu dùng cũng lên đến 500.000 đồng. Bán giá 400.000 đồng/lọ thì người bán chắc chắn lỗ.
Tương tự, một lọ tảo xoắn Nhật loại 2.200 viên, giá mua tại Nhật một lọ 2.018 yen (đã giảm 35%, giá gốc 3.088 yen), cộng thêm thuế và phí vận chuyển, phí quy đổi ngoại tệ… hàng về VN gần 700.000 đồng, song tại chợ Bến Thành bán với giá 450.000 đồng và trên mạng giá phổ biến là 500.000 đồng cùng loại. Hay với lọ mọc tóc Biotin 100 viên có giá bán 7 USD cộng thêm thuế và phí vận chuyển, hàng về đến VN 10,6 USD/lọ, tương đương 240.000 đồng. Song hàng xách tay trên thị trường trong nước chỉ có giá 180.000 đồng như nói trên. Cũng như vậy, một lọ glucosamine Kirland 375 viên, theo cách tính so giá cả và các loại thuế, phí, giá về VN không thể dưới 600.000 đồng, nhưng hàng bán đa số thấp hơn 500.000 đồng/lọ.
40% TPCN trôi nổi nhiễm chất cấm
Thực phẩm chức năng (TPCN) theo định nghĩa của các chuyên gia dược là nhóm nằm ở "biên giới" giữa thuốc và thực phẩm nên việc dùng sản phẩm giả sẽ có ảnh hưởng đáng kể.
Chuyên gia dược Nguyễn Đức Thái, cố vấn Trung tâm y sinh học phân tử, Đại học Y Dược TP.HCM phân tích, đến tuổi nào đó, cơ thể con người nhất định cần thiết bổ sung vitamin các loại. Với những người lớn tuổi, phụ nữ trước - sau sinh con và cả trẻ trong độ tuổi phát triển… đều cần thiết bổ sung vitamin nếu thấy lượng thức ăn đưa vào cơ thể không đủ hoặc cần thiết tăng tốc.
Vì vậy, nếu sử dụng các loại vitamin giả sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy. Thứ nhất là không có tác dụng trong bối cảnh cơ thể đang cần bổ sung chất đó.
“Chẳng hạn cơ thể được bác sĩ qua đo khám chẩn đoán là thiếu can xi trầm trọng, phải bổ sung can xi, hoặc bổ sung glucosamine. Trong trường hợp này, nếu người bệnh không sử dụng đúng vitamin cần bổ sung, thì ảnh hưởng nặng hơn đối với tình trạng sức khỏe của họ. Đó là chưa kể với một số vitamin khi làm giả, để tăng độ tin cậy của người tiêu dùng, cơ sở sản xuất thay vì tăng cường chất nhờn cho khớp lại bỏ chất giảm đau để nếu người bị khớp, cần bổ sung glucosamine, uống vào thấy giảm đau ngỡ rằng vitamin mình sử dụng đã có hiệu quả. Thứ ba là các tác dụng phụ nếu có như chất gây nghiện, chất làm mục xương, giữ nước… với các sản phẩm hỗ trợ cho bệnh khớp và chăm sóc sắc đẹp”, TS Thái phân tích.
Tại hội thảo về thực trạng sử dụng TPCN do Viện Y học ứng dụng VN tổ chức vào đầu tháng này tại Hà Nội đã tiết lộ, khảo sát cho thấy có đến 40% sản phẩm bán trôi nổi nhiễm các chất cấm như chất kích thích, chất ức chế hệ thần kinh trung ương… TS Thái nhận xét: Thực trạng hàng trôi nổi, hàng giả mà nguồn gốc đa số từ Trung Quốc, đang là vấn nạn lớn cho ngành công nghiệp TPCN nói riêng và ngành dược phẩm nói chung của VN.
Theo Mai Phương - Nguyên Nga (Thanh Niên Online)