Về điều kiện để được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi mất việc làm, Điều 49 Luật Việc làm 2013 quy định, người lao động bị mất việc làm sẽ được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện:
Đã chấm dứt hợp đồng lao động với người sử dụng lao động (không áp dụng với người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng); Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động; Đã nộp hồ sơ cho trung tâm dịch vụ việc làm để hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động; Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ.
Không giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho các trường hợp chưa tìm được việc làm nếu: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; Chết.
Về thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa, theo Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội, Luật Việc làm cũng nêu rõ, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Theo đó, càng đóng bảo hiểm thất nghiệp nhiều năm thì người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong càng nhiều tháng. Tuy nhiên, người lao động cũng chỉ được nhận trợ cấp thất nghiệp trong thời gian tối đa là 12 tháng.
Tuy vậy, để hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp, người lao động sẽ phải đóng bảo hiểm ít nhất 12 năm.
Trường hợp đóng bảo hiểm thất nghiệp nhiều hơn 36 tháng thì số tháng đóng bảo hiểm còn lại sẽ được bảo lưu, làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo khi người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Còn về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa, theo Khoản 1 Điều 50 Luật Việc làm, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo công thức:
Mức hưởng hằng tháng = 60% x Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Trong đó, mức hưởng tối đa mỗi tháng của người lao động được xác định: Với người lao động hưởng lương theo chế độ tiền lương Nhà nước: Mức hưởng tối đa/ tháng = 5 x Lương cơ sở = 5 x 1,49 triệu đồng = 7,45 triệu đồng/ tháng. Với người lao động làm việc tại doanh nghiệp thông thường, mức hưởng tối đa/ tháng = 5 x Mức lương tối thiểu vùng.
Từ 1-7, lương tối thiểu vùng sẽ được áp dụng mức mới quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP. Theo đó, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa hằng tháng của người lao động tại từng vùng lần lượt là: Vùng I: 23.400.000 đồng; Vùng II: 20.800.000 đồng; Vùng III: 18.200.000 đồng; Vùng IV: 16.250.000 đồng.
Như vậy, đối chiếu các quy định trên, nếu đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 12 năm trở lên thì khi mất việc làm, người lao động có thể nhận trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền cao nhất như sau: Vùng 1 tối đa là 280,8 triệu đồng/ người; Vùng 2 tối đa là 249,6 triệu đồng/ người; Vùng 3 tối đa là 218,4 triệu đồng/ người; Vùng 4 tối đa là 195 triệu đồng/ người - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.
Theo L.H (An Ninh Thủ Đô)