Dự án thép quy mô 10,6 tỷ USD tại Ninh Thuận được yêu cầu tạm dừng để làm rõ một số vấn đề liên quan tới môi trường, công nghệ, thiết bị dự án này.
Ghi nhận nỗ lực kêu gọi, thu hút đầu tư của tỉnh Ninh Thuận, Bộ Công Thương để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh này, song người đứng đầu Chính phủ nhận thấy dự án thép Cà Ná mới dừng ở mức đánh giá sơ bộ, công tác chuẩn bị dự án còn vội vàng, thông tin về dự án còn bất cập, chưa đầy đủ, toàn diện. Do đó, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Ninh Thuận và các cơ quan tạm dừng đề xuất dự án này để làm rõ một số vấn đề.
Thủ tướng yêu cầu dừng triển khai dự án thép Cà Ná tại tỉnh Ninh Thuận để làm rõ thêm một số vấn đề xoay quanh dự án này. |
Cụ thể, các bên cần tính toán kỹ nhu cầu thị trường thép trong nước và thế giới, trên cơ sở đó rà soát quy hoạch các nhà máy thép, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thị trường để xác định quy mô công suất, thời điểm phát triển dự án hợp lý.
Chủ đầu tư và cơ quan chức năng cũng cần đánh giá kỹ vấn đề môi trường, công nghệ, thiết bị của dự án, đảm bảo dự án an toàn, không xảy ra sự cố tương tự Formosa.
Ngoài ra, dự án cũng cần xác định lại tổng vốn đầu tư tổng thể trong đó có tính đến cảng biển nước sâu, đường sắt, đường bộ, đồng thời xác định rõ nguồn nguyên liệu của dự án.
“Đây là dự án công nghiệp nặng luyện cán thép được đề xuất sau sự cố nhà máy thép Formosa nên rất nhạy cảm, vì vậy bước nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư cần làm kỹ các nội dung trên ở mức nghiên cứu khả thi dự án”, văn bản kết luận ý kiến của Thủ tướng nêu.
Sau khi nghiên cứu kỹ, làm rõ các vấn đề trên, tỉnh Ninh Thuận phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện lại, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định.
Lãnh đạo Chính phủ cũng nhận định, Ninh Thuận là một tỉnh còn nhiều khó khăn, đặc biệt việc dừng đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Việc thu hút các nhà máy đầu tư là hết sức cần thiết.
Để phát triển, Ninh Thuận không chỉ đầu tư nhà máy thép, nhà máy điện hạt nhân mà còn có rất nhiều lợi thế khác như đầu tư năng lượng sạch, điện mặt trời, du lịch, nông nghiệp hữu cơ… để mang lại lợi ích nhiều mặt cho phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Trước đó tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận diễn ra tháng 8/2016, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen cho biết dự định đầu tư xây dựng dự án thép Hoa Sen - Cà Ná tại tỉnh này, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 10 tỷ USD, sản xuất 16 triệu tấn thép một năm.
Dự án này sau đó cũng đã được Bộ Công Thương đưa vào dự thảo quy hoạch ngành thép đến 2025, định hướng 2035. Tuy nhiên, tại dự thảo lần 2 của quy hoạch này, nhà chức trách lại bỏ tên chủ đầu tư khỏi cá dự án, trong đó có Cà Ná.
Dự án Khu liên hợp cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư 10,6 tỷ USD từng gây nhiều tranh cãi trong dư luận sau khi được tỉnh Ninh Thuận và Tập đoàn Hoa Sen đề xuất triển khai. Nhất là sau sự cố hồi tháng 5 tại một dự án quy mô tương tự là Formosa Hà Tĩnh, nhiều câu hỏi đã được đặt ra với Cà Ná xung quanh vấn đề quy hoạch, môi trường, trách nhiệm giám sát và tính minh bạch của dự án. Trước những nghi ngại này, hồi giữa tháng 10, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng sau buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận. Theo đó, Bộ Công Thương được giao cùng các bộ Kế hoạch & Đầu tư, Khoa học & Công nghệ, Tài nguyên & Môi trường đánh giá về nhu cầu thị trường, công nghệ, thiết bị và môi trường..., lấy ý kiến các nhà khoa học về dự án. Sau khi xem xét cụ thể báo cáo, Thủ tướng sẽ có quyết định chính thức về việc triển khai. Trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội ngày 15/11 liên quan tới dự án thép Cà Ná, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: "Chúng ta không đánh đổi môi trường để lấy dự án công nghiệp bằng mọi giá và cũng không có chuyện các dự án thép đưa ra để đánh đổi về môi trường". Lãnh đạo Bộ Công Thương đồng thời cũng nhấn mạnh "không có chuyện lợi ích nhóm" trong dự án này. |
Theo Anh Minh (VnExpress.net)