Thủ tướng: Việt Nam phải sớm lên 'đoàn tàu 4.0', không để bị bỏ lại

13/07/2018 14:44:10

Robot Sophia mặc áo dài trắng giao lưu với khán giả Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 đã rất gần Việt Nam. Ông yêu cầu toàn bộ máy hành động để Việt Nam sớm bước lên “con tàu 4.0”.

Ngày 13/7, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức “Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0”, với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Không để "đoàn tàu 4.0" trôi qua

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Cách mạng công nghiệp 4.0 là một cuộc chơi và mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam là một phần trong đó. Ông cho rằng VIệt Nam phải sớm bước lên được “đoàn tàu 4.0”, không để bị bỏ lại, để đoàn tàu trôi qua.

Sau khi dự triển lãm, người đứng đầu Chính phủ cho rằng Cách mạng công nghiệp 4.0 đã ở rất gần Việt Nam, thậm chí ở ngay trong Việt Nam hiện tại.

“Cuộc cách mạng này là cơ hội để dân tộc Việt Nam trở nên phồn vinh. Đồng thời là cơ hội tốt để đảo chiều về đầu tư, thương mại, dịch vụ, giáo dục; đảo chiều trong tư duy và hành động”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng: Việt Nam phải sớm lên 'đoàn tàu 4.0', không để bị bỏ lại
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem các gian hàng tại triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0. Ảnh: Quang Hiếu/VGP.

Theo Thủ tướng, diễn đàn lần này giúp nhận thức sâu sắc hơn, rõ ràng hơn về Cách mạng công nghiệp 4.0. Đó là sự thay đổi phương thức sản xuất, dịch vụ, về nền kinh tế số trong sản xuất dịch vụ thông minh, đặc biệt là sự thay đổi giải pháp công nghệ, chứ không phải áp dụng công nghệ truyền thống. Ông cho rằng đây đây là nhận thức rất quan trọng.

Thủ tướng đặt ra vấn đề từ nhận thức thì hành động như thế nào, có những loại công việc gì và yêu cầu phải có chính sách pháp luật để thúc đẩy phát triển 4.0 lớn hơn, tốc độ cao hơn.

Sau khi nhận thức về hành động, Thủ tướng cho rằng cần chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực ở Việt Nam, đặc biệt khi 40% là lao động nông nghiệp, năng suất thấp.

“Các địa phương, bộ ngành phải xử lý lại vấn đề trang bị kỹ năng cho người lao động. Hay việc chuyển sang nền kinh tế số dư thừa lao động. Ngoài ra, cần phát triển hạ tầng, nhất là công nghệ thông tin là nền tảng quan trọng cho 4.0”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phát triển công nghiệp 4.0 nhưng cũng phải xử lý mặt trái, không để ai bị bỏ lại phía sau. Tất cả các cấp, bộ, ngành cần sớm xây dựng kế hoạch, chương trình hành động về việc ứng dụng công nghệ 4.0, ấn định các mục tiêu ưu tiên kèm theo chương trình hành động cụ thể.

Thủ tướng: Việt Nam phải sớm lên 'đoàn tàu 4.0', không để bị bỏ lại - 1
Một gian hàng tại triển lãm. Ảnh: Nhật Lâm.

Bên cạnh đó là việc tạo điều kiện để các tập đoàn đa quốc gia, tầng lớp trí thức, người Việt ở trong và ngoài nước, người nước ngoài có điều kiện tham gia phát triển Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam để từ đó chúng ta có thể tiếp thu các kinh nghiệm quý báu.

Chính phủ cũng sẽ sớm phê duyệt dự án thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, quyết liệt trong việc xây dựng thành phố thông minh, Chính phủ điện tử. Các bộ trưởng, địa phương phải có chương trình cải cách giáo dục để đào tạo nguồn nhân lực cho Công nghiệp 4.0.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần phải phát triển thêm các trung tâm sáng tạo quốc gia, đặc biệt ưu tiên các ngành vật lý, sinh học, trí tuệ nhân tạo… Đồng thời phải lựa chọn các sản phẩm chủ lực quốc gia, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, xử lý các tác động, nhất là các vấn đề liên quan đến việc làm, phát triển xã hội.

Cơ hội đồng thời là thách thức lớn từ cách mạng 4.0

Trước đó, trong phần phát biểu khai mạc diễn đàn, Trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng việc khai thác đúng đắn và kịp thời những cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0 là thách thức chung của các quốc gia, nhưng đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, thách thức đó càng lớn.

Ông nhấn mạnh cách mạng công nghiệp mới một mặt mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời tạo ra sự thay đổi lớn về mô hình kinh doanh bền vững hơn và cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Thủ tướng: Việt Nam phải sớm lên 'đoàn tàu 4.0', không để bị bỏ lại - 2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và ông Nguyễn Văn Bình gặp gỡ các diễn giả tại diễn đàn. Ảnh: Quang Hiếu/VGP.

Ngoài ra cách mạng công nghiệp 4.0 còn mang lại tiềm năng cho các nước đang phát triển có thể rút ngắn quá trình công nghiệp hóa bằng cách đi tắt, đón đầu, nhảy vọt lên công nghệ cao hơn.

Tuy nhiên, ông Bình lưu ý nếu không có cách tiếp cận đúng và bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ, tình trạng dư thừa lao động kỹ năng thấp và sự bất bình đẳng trong xã hội.

Bên cạnh đó, sự liên kết và gắn kết trong thời đại dách mạng công nghiệp 4.0 dẫn tới vấn đề biên giới mềm, quyền lực mềm, vấn đề an ninh không gian mạng và an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao xuyên quốc gia; từ đó đòi hỏi cần có sự ứng phó chủ động và kiểm soát tốt để bảo đảm chủ quyền và an ninh cho người dân và đất nước.

Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)