Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định tiềm năng hợp tác giữa 2 nước rất lớn và khuyến khích các nhà đầu tư Nhật sớm vào Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi tọa đàm trưa nay. Ảnh: VGP |
Nhật hiện là nước rót ODA lớn nhất và FDI lớn nhì vào Việt Nam. Tuy nhiên, tiềm năng hợp tác giữa hai nước vẫn còn rất lớn. Thủ tướng muốn các nhà đầu tư Nhật Bản quyết định nhanh hơn, do nhu cầu tài chính của Việt Nam hiện khá cao nhằm phục vụ phát triển bền vững, ổn định. Đầu tư tư nhân và FDI đang là động lực quan trọng để Việt Nam phát triển kinh tế và cải thiện năng lực cạnh tranh.
"Bây giờ chỉ bàn cách nào để các bạn vào nhanh được và đầu tư đạt kết quả tốt nhất. Chính phủ sẽ thúc đẩy hơn nữa đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, kể cả điện lực... Chúng tôi cũng chủ trương thu hẹp lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ, mở rộng cho thị trường, đặc biệt là cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, kể cả lĩnh vực điện. Có thể các doanh nghiệp Nhật Bản trực tiếp đầu tư vào công ty cổ phần hóa, hoặc qua các quỹ đầu tư tại Việt Nam để trở thành cổ đông chiến lược của các doanh nghiệp Nhà nước mà chúng tôi có chủ trương bán ra", Thủ tướng nói.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của hàng loạt doanh nghiệp lớn tại Nhật. Ảnh: VGP |
Nhân buổi tọa đàm, Thủ tướng đã gặp gỡ đại diện nhiều công ty hàng đầu Nhật Bản trong các lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, xăng dầu, tài chính - ngân hàng, thương mại và bán lẻ. Tiêu biểu là Canon, Panasonic, Tokyo Gas, Idemitsu, Aeon, Fast Retail hay Mitsubishi UFJ Leasing.
Thủ tướng đánh giá cao những đề xuất thảo luận tại sự kiện này, như tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất công nghiệp của Việt Nam, phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển hạ tầng, mở rộng bán lẻ tại Việt Nam. Ông một lần nữa thúc giục nhà đầu tư Nhật Bản đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư vào Việt Nam.
Đổi lại, người đứng đầu Chính phủ cũng cam kết tích cực đổi mới, cải cách, hoàn thiện chính sách, nhằm hài hòa lợi ích giữa các bên. Ông yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành tạo điều kiện cho doanh nghiệp muốn đầu tư vào Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn có sẵn sàng các danh mục phía Nhật Bản quan tâm, trong đó có đầu tư phát triển hạ tầng quốc gia, các dự án hợp tác công - tư (PPP), lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, năng lượng tái tạo, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Trong lĩnh vực điện, Việt Nam cũng sẽ bán cổ phần của 3 Tổng công ty phát điện lớn ở ba vùng.
Theo Hà Thu (VnExpress.net)