Thủ tướng: Bố trí 2,53 tỷ USD vốn ODA cho 16 dự án khu vực ĐBSCL

09/07/2023 13:18:30

Thủ tướng đồng ý chủ trương vay vốn ODA từ 6 đối tác phát triển lớn nhất với mức vốn 2,53 tỷ USD cho 16 dự án khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và các bộ, ngành về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án cao tốc và triển khai các dự án ODA vùng ĐBSCL chiều 8/7, Thủ tướng đã chỉ đạo giải pháp xử lý hàng loạt vướng mắc tại các dự án cao tốc và ODA vùng ĐBSCL. Trong đó có việc đồng ý chủ trương vay vốn ODA từ 6 đối tác phát triển lớn nhất với mức vốn 2,53 tỷ USD cho 16 dự án.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đồng ý áp dụng cơ chế cấp phát 90% vốn cho các dự án này.

Thủ tướng: Bố trí 2,53 tỷ USD vốn ODA cho 16 dự án khu vực ĐBSCL
Thủ tướng nêu rõ chúng ta còn nhiều dư địa để tiếp tục mở rộng, linh hoạt hơn trong việc vay vốn ODA - Ảnh: VGP 

Thủ tướng nêu rõ chúng ta còn nhiều dư địa để tiếp tục mở rộng, linh hoạt hơn trong việc vay vốn ODA khi nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt theo Nghị quyết của Quốc hội giao.

Thủ tướng đề nghị các cơ quan, cá nhân tham gia dự án cần nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc, với ngành, với nhân dân, với Tổ quốc; nỗ lực cao hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa, đổi mới tư duy, sáng tạo hơn nữa trong cách nghĩ, cách làm để hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần triển khai các dự án, góp phần hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng đã đề ra, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Báo cáo cho thấy, trong giai đoạn 2021-2025, vùng đồng bằng sông Cửu Long có 62 dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài đang triển khai với tổng mức vốn nước ngoài là 56.442 tỷ đồng (tương đương 2,8 tỷ USD), kế hoạch đầu tư công trung hạn đối ứng vốn nước ngoài từ nguồn ngân sách Trung ương được giao là 15.174 tỷ đồng.

Giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA của vùng đồng bằng sông Cửu Long còn thấp, hết tháng 6/2023, giải ngân vốn trong nước là 10.107,89 tỷ đồng (đạt 36,29%), giải ngân vốn nước ngoài là 153,910 tỷ đồng (đạt 5,34% - thấp hơn nhiều bình quân chung cả nước là 15,7%).

Tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng, còn nhiều tồn tại, hạn chế trong giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn ODA, nhất là công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện dự án đầu tư; làm giảm hiệu quả của đầu tư công và vốn ODA.

Theo các đại biểu, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng là nút thắt lớn đối với triển khai các dự án đầu tư công, trong đó có các dự án ODA; nhiều dự án chuẩn bị đầu tư không kỹ, áp dụng các công nghệ nhanh chóng thay đổi dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế, tăng chi phí, phải gia hạn thời gian thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, thể chế, pháp luật về vốn ODA, vốn vay ưu đãi chưa điều chỉnh kịp thời theo yêu cầu thực tiễn, các dự án ODA phải áp dụng đồng thời quy trình thủ tục trong nước và quy định của nhà tài trợ nên mất nhiều thời gian; vướng mắc trong điều chỉnh dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay; ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh…

Theo Hải Ninh (Kienthuc.net.vn)

Nổi bật