Chính phủ vừa ban hành quyết định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, thủ tục nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng đã được cắt giảm khoảng 60% so với gói trước đây, tạo điều kiện thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận chính sách.
Nếu như ở Nghị quyết 42/2020/NQ-CP (gói hỗ trợ 62.000 tỷ trong năm 2020), quy định về điều kiện người sử dụng lao động được cho vay để trả lương cho người lao động còn nhiều tiêu chí quá chặt chẽ về điều kiện, số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội và thời gian nộp hồ sơ, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg đã bỏ các quy định các doanh nghiệp phải nộp hồ sơ đăng ký vay trước bao nhiêu ngày. Hiện, doanh nghiệp nộp ngày nào thì áp dụng khi đó. Việc tiếp nhận hồ sơ, giải ngân tối đa chỉ có 7-10 ngày.
Chính phủ cũng hướng dẫn, chính sách chi trả tiền mặt một lần 3,71 triệu đồng áp dụng cho lao động phải nghỉ việc nhưng không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp. Theo đó, người đó đóng bảo hiểm xã hội tháng liền kề trước khi nghỉ việc, tính từ ngày 1/5 đến hết năm nay; không áp dụng cho người đơn phương nghỉ việc không đúng quy định và người đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng.
Người lao động cần làm đơn đề nghị theo mẫu, kèm bản sao công chứng hoặc mang theo bản chính (để đối chiếu) hợp đồng lao động, sổ bảo hiểm, quyết định thôi việc. Ai đang mang thai hoặc nuôi con dưới 6 tuổi cần có giấy xác nhận mang thai, giấy khai sinh, chứng nhận nuôi con nuôi.
Hồ sơ nộp cho Trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động nghỉ việc. Cơ quan này sẽ tổng hợp danh sách nộp lên Sở LĐ-TB&XH để trình cấp tỉnh phê duyệt hỗ trợ. Tối đa 5 ngày, các cấp phải giải quyết xong để tiền đến tay người lao động.
Về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, quyết định 23 đã nới lỏng điều kiện so với Nghị quyết 42/NQ-CP và Nghị quyết 154/NQ -CP, chỉ cần giảm 15% số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội là được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Thời gian tạm dừng đóng theo Nghị quyết 68/NQ-CP là 6 tháng, dài hơn so với Nghị quyết 154/ NQ-CP trước đây là 3 tháng. Thủ tục đơn giản hơn khi thay vì phải qua hai bước là cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan bảo hiểm xã hội thì nay chỉ phải gửi đến duy nhất một địa chỉ là cơ quan bảo hiểm xã hội.
Thời gian giải quyết giảm từ 25 ngày (đối với các trường hợp thông thường) xuống còn 5 ngày. Hồ sơ đơn giản hoá rất nhiều so với các đợt dịch trước, từ 3 thành phần hồ sơ còn 1 thành phần hồ sơ; hệ thống mẫu biểu cũng đơn giản, thuận tiện hơn (giảm khoảng 50% số thông tin phải kê khai).
Bên cạnh việc rút ngắn thời gian, thủ tục, chính sách hỗ trợ lần này còn bổ sung nhiều chính sách mới như: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ trẻ em, lao động đang mang thai, đang nuôi con nhỏ; hỗ trợ đối với người phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0) và người phải thực hiện cách ly y tế (F1); hỗ trợ đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) và hướng dẫn viên du lịch; cho vay trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, với lao động tự do, Chính phủ đã giao lại cho các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của từng địa phương để xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do).
Theo An Nhiên (An Ninh Thủ Đô)