Từ bài học môi trường Formosa, việc dừng hay tiếp tục triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) sẽ được tính toán kỹ.
Ông Hải cho biết, hiện Bộ này đã gửi báo cáo lên Thủ tướng, song ông từ chối thông tin chi tiết về quan điểm của Bộ Công Thương về dự án mỏ sắt Thạch Khê.
Từ bài học môi trường Formosa, Thứ trưởng Công Thương khẳng định, "chúng ta không làm kinh tế, không phát triển kinh tế bằng mọi giá. Nhưng cũng không thể vì một lý do nào đó mà không tiếp tục triển khai dự án, nếu nó đem lại nguồn lợi cho phát triển kinh tế một vùng, tỉnh".
Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải. |
Lãnh đạo Bộ Công Thương nói thêm, các cơ quan chức năng với trách nhiệm của mình sẽ nghiên cứu đưa ra giải pháp đối với dự án này.
Trong thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Hà Tĩnh trước đó, Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo liên quan đến kiến nghị dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên & Môi trường phối hợp với tỉnh nghiên cứu kỹ dự án, khẩn trương đề xuất các phương án phù hợp đối với dự án, báo cáo Thủ tướng xem xét trước ngày 5/10.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu khả năng cung cấp nguyên liệu cho Formosa Hà Tĩnh, không xây dựng nhà máy thép ở đây.
Mỏ Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh) là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, được phát hiện từ năm 1960, với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn. Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê do Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư được khởi công từ 2009, với sự tham gia của các cổ đông như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Tổng công ty Sông Đà...
Dự án tạm dừng triển khai 2 năm sau đó (2011) do gặp vướng mắc về vốn góp của các cổ đông, khó khăn trong huy động vốn. Từ tổng mức đầu tư ban đầu 14.500 tỷ, chủ đầu tư đã phải tính toán lại, giảm về còn 13.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một là 6.700 tỷ. Đến tháng 3/2017, dự án tiếp tục giảm quy mô vốn đầu tư về mức 12.200 tỷ đồng. Qua 2 lần điều chỉnh, tổng vốn đầu tư dự án này giảm khoảng 2.300 tỷ.
Đến cuối năm 2016 sau khi cơ cấu lại các cổ đông góp vốn, số tiền đã rót vào triển khai dự án này gần 1.600 tỷ đồng. Khoản tiền chủ yếu được chủ đầu tư rót vào các hạng mục như thiết kế kỹ thuật, địa chất, trắc địa môi trường và rà bom mìn; mua sắm máy móc thiết bị kỹ thuật... Nếu dự án dừng triển khai, khoản đầu tư này sẽ khó có cơ hội hoàn vốn.
Theo Anh Minh (VnExpress.net)