Đó là trường hợp của anh Lương Quốc Việt (xóm Lục Thành) cùng nhiều hộ dân khác ở xã Thung Nung, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.
Bằng cách mạnh dạn chuyển đổi diện tích ruộng canh tác khó khăn, năng suất thấp sang nuôi ốc nhồi hay còn gọi là ốc bươu đen, người dân tại đây đã có thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng/năm. Thậm chí vào thời gian cao điểm, một số hộ thu về tiền triệu mỗi ngày từ bán trứng giống và ốc thương phẩm.
Từ năm 2018, mô hình nuôi ốc nhồi trên diện tích ruộng trũng, canh tác khó khăn được đưa về địa phương thử nghiệm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập khá và thu hút hàng chục hộ tham gia.
Gia đình anh Lương Quốc Việt là một điển hình của việc triển khai mô hình nuôi ốc nhồi mang lại hiệu quả kinh tế cao trên hơn 4 sào diện tích mặt nước chuyển đổi từ ruộng canh tác không hiệu quả.
Chỉ sau hơn 4 tháng, anh Việt đã thu hồi vốn đầu tư trên 50 triệu đồng và đến hết năm 2020, gia đình anh đã thu về gần 150 triệu đồng tiền lãi từ bán trứng giống và gần 2 tấn ốc thương phẩm. Trao đổi trên báo Thái Nguyên, anh Việt dự kiến, năm 2021, anh có thể thu về trên 3 tấn ốc thương phẩm và trên 1 tạ trứng với lợi nhuận đạt trên 200 triệu đồng.
Hiện nay, toàn xã Thượng Nung có trên 40 hộ nuôi ốc nhồi, trung bình mỗi hộ đầu tư cải tạo khoảng 3-5 sào ruộng canh tác khó khăn để nuôi ốc theo quy trình khép kín từ sản xuất giống đến nuôi thương phẩm xuất bán cho thương lái.
Theo bà con nông dân xã Thượng Nung, ốc nhồi có sức đề kháng tốt, nguồn thức ăn cũng rất đơn giản, chỉ là bèo tấm, rau xanh, lá ráy, khoai lang, các loại củ quả... Đặc biệt, người chăn nuôi cũng chỉ phải mua giống một lần nên chi phí đầu tư khá thấp.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi ốc, các hộ dân ở đây cho biết, chỉ cần lưu ý thay nước định kỳ đồng thời thả bèo lục bình khoảng 30% diện tích để làm mát và lọc nước vào mùa hè. Còn về mùa đông, cần rút bớt nước và thả bèo để giữ ấm cho môi trường sinh sống của ốc nhồi.
Riêng với ao nuôi ốc sinh sản, cần làm lưới che nắng liên tục để tránh tổn hại đến ốc mẹ khi bò lên bờ đẻ trứng.
Được biết, trung bình ốc giống sau khi nở khoảng 10 – 15 ngày là có thể xuất bán, còn thời gian nuôi ốc thịt kéo dài khoảng 5,5 tháng. Ốc nhồi thường đẻ trứng trên bờ, trong các bụi cỏ ven bờ. Sau khi ốc đẻ trứng sẽ được người nuôi thu gom về rồi cho vào thùng xốp ấp khoảng 15 – 20 ngày cho trứng nở.
Nhiệt độ thích hợp để ấp trứng là từ 30 – 35 độ C, trong các thùng xốp đều có các khay chứa, khi xếp đủ trứng vào các khay thì phủ lớp khăn ẩm lên bề mặt, trong quá trình ấp cứ mỗi ngày xịt nước vào khăn từ 1- 2 lần dưới dạng sương để giữ ẩm.
Tuy nhiên cần chú ý không xịt nước quá nhiều vì nếu ẩm quá trứng sẽ bị thối. Khi trứng ốc chuyển từ màu trắng sang màu đen tức là trứng bắt đầu nở. Trung bình 1kg trứng được khoảng 1 vạn ốc con.
Nhờ đầu ra thuận lợi, cộng với giá thị trường ổn định từ 70-100 nghìn đồng/kg ốc thương phẩm và 500-900 nghìn đồng/kg trứng giống như hiện nay, mỗi hộ nuôi ốc theo quy trình khép kín ở xã Thượng Nung có thể thu về từ 100-200 triệu đồng/năm từ khoảng 3 sào diện tích.
Một trường hợp khác là anh Trần Song Anh (SN 1985, ở xã Liên Minh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh)với hơn 2 ha đất chiêm trũng vốn bị bỏ không, anh đã nhận thuê lại và quyết làm giàu từ con ốc bươu đen (ốc nhồi). Với sự nhanh nhạy, chịu khó, anh đã thu về tiền tỷ từ mô hình này.
Chia sẻ trên Dân trí, từ việc bán ốc giống và ốc thương phẩm, mô hình này năm 2020 đã đem lại cho anh Trần Song Anh nguồn thu gần 2,7 tỷ đồng, sau khi đã trừ các khoản chi phí.
Theo Hải Yến (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)