Một xe nước giếng khoan có giá 25 nghìn, một thùng nhỏ hơn là 5 nghìn đồng. Cứ thế, một ngày người phụ nữ bán nước giếng khoan tại chợ Thành Công có thể chở được từ 70-100 xe nước, thu về số tiền không nhỏ.
Nước giếng khoan tưởng chừng là thứ nước người ta chỉ dùng để rửa chân tay hoặc dội vệ sinh thì nay trở thành món hàng đắt đỏ trong hoàn cảnh mất nước sạch. Một xe nước có giá là 25 nghìn và một thùng thì có giá là 5 nghìn. Chưa bao giờ những nhà có giếng khoan lại nghĩ mình có thể thu về tiền triệu từ nguồn nước nhiều tạp chất này.
Chị D., chủ một quán ăn và cũng là hộ gia đình có nguồn nước giếng khoan để bán tại đây chia sẻ: “Khu tập thể Thành Công đã mất nước nhiều ngày nay, nếu không nhờ nguồn nước giếng khoan này thì có lẽ gia đình tôi cũng khốn đốn không khác gì những hộ dân khác".
|
Nguồn nước giếng khoan cho thu nhập tiền triệu nhờ mất nước sạch |
Theo chị D., ngoài việc cho hàng xóm láng giềng đến xin nước về để sinh hoạt thì chị còn bán nước giếng khoan cho một vài người. “Họ mang xe đến chở nước ở nhà tôi rồi mang bán lại cho những ai cần. Mỗi xe nước tôi bán cho họ từ 10-12 nghìn và họ có thể bán lại với giá 25 nghìn/xe.”
Theo quan sát của PV, cứ khoảng 15 phút lại có một xe đến chở nước. Chị D. cho biết, một ngày nguồn nước giếng khoan của chị có thể cung cấp hơn 150 xe. Khi phóng viên thắc mắc, lấy nhiều nước như vậy liệu nguồn nước giếng có bị cạn hay không? “Những lúc nước cạn, họ lại vào trong làng hoặc đi chỗ khác để mua”, chị D. giải thích.
|
Cứ khoảng 15 phút lại có một xe tới chở nước |
Tiểu thương đồng thanh kêu khổ
Theo chân người “buôn” nước giếng khoan vào khu chợ Thành Công, đâu đâu cũng thấy tiểu thương than thở với nhau chuyện mất nước. Với xe nước của mình, người “buôn” nước múc từng xô nhựa ra trút sang đồ chứa nước cho khách từ đầu đến cuối chợ.
|
Một xe nước được bán từ đầu chợ đến cuối chợ |
“Nghe mọi người bảo 5 nghìn một thùng. Mất nước mấy hôm rồi, ngày nào tôi cũng phải dùng mấy thùng nhưng chưa trả tiền. Chắc cũng phải mất tiền trăm rồi, mà mất nước nên khách mua cũng ít do họ không nấu ăn. Chẳng biết tiền lãi có đủ bù cho tiền nước hay không”, một tiểu thương bán rau tại chợ chia sẻ.
Chị Bảo, tiểu thương kinh doanh cá cho biết khu chợ Thành Công có khoảng 500 hộ kinh doanh và có đến 300 hộ cần đến nước. “Đặc biệt là hàng bán cá. Trung bình nhà tôi cũng như các hộ bán cá ở đây tiêu thụ hết 2-3 xe nước một ngày, mất khoảng hơn 60 nghìn tiền nước. Còn có hộ dùng nhiều thì là 5 xe".
|
Hàng bán cá cần mua nước nhiều nhất |
Theo chị Bảo, cũng giống như hàng rau, mất nước người dân ít nấu ăn nên lượng khách mua cũng giảm. “Tiền lãi không được bao nhiêu lại mất một khoản không nhỏ để mua nước giếng khoan. Nếu mấy ngày tới tình trạng mất nước vẫn tiếp diễn, chắc chúng tôi phải tăng giá bán để bù lại”, chị Bảo thở dài.
Bà H., một tiểu thương khác vừa nghe điện thoại vừa gắt gỏng: “Đã nói là chưa có. Tối liệu mà tắm nhờ, ăn ở đâu thì ăn rồi hãy về”. Hỏi ra mới biết, các con của bà H. từ hôm mất nước, ngày nào cũng gọi về hỏi mẹ xem có nước chưa. “Nó sốt ruột mình còn khổ hơn. Chúng nó đến cơ quan còn có nước dùng, chứ tôi ngồi ở chợ phải dùng dè xẻn từng giọt nước suốt mấy ngày nay.”
|
Mất nước, người dân ít nấu ăn nên hàng hóa cũng ế ẩm
|
Thế nhưng theo bà H. thì ít nhất ở chợ vẫn sướng hơn ở nhà :“Vì còn tiện nước người ta chở đến để mua, chứ nhà tôi ở tầng 6 chung cư tập thể. Mỗi lần hết nước lại xuống phía dưới nhà đi xin khắp nơi, xách đến vẹo cả sườn.”
4 ngày mất nước là cả 4 ngày thành viên gia đình bà H. phải đi tắm nhờ và ăn cơm quán. “Mà phải đi xa, chứ ở gần đây thì cũng chung cảnh hết. Mấy hàng quán ăn và cắt tóc gội đậu sát nhà tôi còn phải đóng cửa vì không có nước. Bức xúc nhất là cái nhu cầu tối thiểu, ở nhà cũng như ở chợ đều giống nhau”, vừa nói bà H. vừa chỉ tay sang nhà vệ sinh của khu chợ.
|
Bể chứa nước của khu chợ đã mấy ngày nay không có lấy một giọt |
|
Ông Nguyễn Văn Chủ, người trông coi khu nhà vệ sinh của chợ cũng rầu rĩ vì mất nước. |
Ngồi cạnh khu nhà vệ sinh bốc mùi nồng nặc, ông Nguyễn Văn Chủ, người trông coi cho hay: “Các cô thấy mùi nó hôi hám bốc lên thì biết, cả tuần rồi ai vào giải quyết thì cứ vào rồi tích lại đó chứ không có lấy một giọt nước để xả. Mỗi lần khách đi vệ sinh được 1-2 nghìn bạc mà mua nước để xả thì những mấy chục nghìn một xe, bao nhiêu cho đủ. Thế nên đành chấp nhận bẩn, bao giờ có nước trở lại thì dọn một thể”, ông Chủ rầu rĩ.
>> Hà Nội: Bi hài cảnh phải tạm "di cư" về quê vì mất nước kéo dài
Theo Minh Thùy - Ngọc Minh (VietNamNet)