Đáng chú ý, theo ông Tưởng, riêng mặt hàng xăng, do Việt Nam thực hiện Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc nên thuế suất mặt hàng xăng dầu chỉ 10% trong khi ở các thị trường khác là 20%.
Theo Tổng cục Hải quan, dù nhập khẩu ở Singapo quãng đường có gần hơn nhưng doanh nghiệp tính toán rất cụ thể để có lợi nhất nên chuyển hướng sang nhập xăng tại Hàn Quốc, làm giảm thu thuế khoảng 5.000 tỷ đồng. Trong năm 2016, Việt Nam nhập xăng từ Hàn Quốc chiếm tới gần 70%.
"Ngoài các Hiệp định thương mại ký kết, trong năm 2017, 2018 dự kiến 2 nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Dung Quất sẽ đi vào hoạt động dần dần hết công suất, từ đó dẫn tới số thu thuế từ xăng dầu sẽ về 0% thay vì chiếm 15 – 16% tổng thu thuế xuất nhập khẩu như hiện nay", ông Tưởng cho biết.
"Ngành Hải quan đã có kiến nghị lên Chính phủ và Quốc hội cho mở rộng một số khoản thu khác, trong đó có thuế bảo vệ môi trường. Thuế bảo vệ môi trường sẽ áp vào vào một số lĩnh vực đang nhập khẩu ồ ạt hiện nay là than đá, quặng sắt…", đại diện Tổng cục Hải quan nói thêm.
Về xuất khẩu dầu thô, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm 2016 cả nước xuất khẩu 5,7 triệu tấn, đạt kim ngạch 1,9 tỷ USD, giảm mạnh 25% về lượng và 41% về trị giá. Trước đó, 10 tháng năm 2015, xuất khẩu dầu thô của Việt nam đạt 7,6 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,2 tỷ USD.
Như vậy, về lượng, xuất khẩu dầu thô giảm gần 2 triệu tấn và kim ngạch nhập khẩu giảm 1,3 tỷ USD (29.500 tỷ đồng); giá xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt 333 USD/tấn, trong khi cùng kỳ năm 2015 là 421 USD/tấn, giảm 88 SSD/tấn so với cùng kỳ. Với đơn giá năm 2015, so với số xuất khẩu 10 tháng của năm 2016, thất thu thuế mất đi do giá xuất giảm là gần 500 triệu USD (11.300 tỷ đồng).
Về số xăng dầu nhập khẩu, thống kê cho thấy, trong 10 tháng qua, lượng nhập đạt 9,5 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,8 tỷ USD, tăng 18% về lượng và giảm 15% về giá trị so với cùng kỳ năm trước (khoảng 600 triệu USD). Trong 10 tháng năm 2015, nhập khẩu xăng dầu đạt 8,1 triệu tấn, kim ngạch 4,4 tỷ USD. Như vậy, giá nhập khẩu xăng dầu 10 tháng năm 2015 đạt 400 USD/tấn, giảm hơn 143 USD so với đơn giá nhập khẩu xăng dùng cùng kỳ năm 2015 (đạt 543 USD/tấn).
Theo lý giải của Tổng cục Hải quan, việc xăng dầu nhập khẩu giảm về giá trị dù tăng về lượng nhập dù có có điều kiện làm giá xăng dầu trong nước giảm, nhưng lại làm thất thu thuế.
Cũng theo thông tin tại buổi họp báo, tính đến ngày 15/11, toàn ngành Hải quan đã thực hiện hơn 8.311 cuộc kiểm tra rà soát nhóm mặt hàng có dấu hiệu vi phạm, mức độ rủi ro cao về khai báo trị giá hải quan tại các đơn vị hải quan địa phương. Kết quả đã ra quyết định truy thu hơn 3.090 tỷ đồng, thực thu cho ngân sách Nhà nước hơn 2.000 tỷ đồng, đạt 73% chỉ tiêu được giao và tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, số thuế còn lại chờ truy thu cho ngân sách Nhà nước vào khoảng hơn 1.000 tỷ đồng nữa, cơ quan Hải quan các địa phương đang hoàn tất các thủ tục để quyết định truy thu thuế, ấn định thuế đối với các doanh nghiệp (DN) vi phạm.
Hiện, trong các đợt thanh tra khai báo trị giá hải quan sau thông qua, ô tô nhập khẩu là những mặt hàng có rủi ro về giá cao nhất, số vụ vi phạm lớn nhất (ảnh minh họa) |
Trước đó, như đã đưa tin sau quyết định của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã ra quyết định yêu cầu các cục Hải quan và chi cục Hải quan các địa phương rà soát danh mục hàng hóa có độ rủi ro về giá, hàng hóa có khả năng khai trị giá hải quan thấp hơn danh mục hải quan đề ra. Tổng cục Hải quan yêu cầu xử lý nghiêm minh các trường hợp khai báo trị giá hải quan thấp hơn thực tế trong thời gian 11 tháng đầu năm 2016 làm tiền đề để thực hiện quá trình giám sát sau thông qua những năm trở về trước.
Thời gian gần đây, ngành Hải quan khá mạnh tay trong cuộc chiến chống các hành vi vi phạm trong hoạt động hải quan, trong đó các hàng hóa có giá trị kinh tế cao như: ô tô, máy móc, thiết bị công nghệ... được liệt vào danh mục các mặt hàng có độ rủi ro về giá cao.
Kết quả số thuế truy thu và ấn định của các DN trong lĩnh vực nhập khẩu ô tô thời gian qua đã tăng cao so với số thuế đã nộp. So với số thuế khai báo, ngành hải quan đã có nhiều quyết định truy thu thuế, ấn định các loại thuế liên quan như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt... của nhiều DN lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Ngoài hoạt động truy thu thuế sau thông quan đối với hàng hóa trong danh mục rủi ro về giá, hoạt động thu ngân sách của ngành hải quan, chống buôn lậu và chống thất thu thuế trong hoạt động thông quan thời gian qua cũng được đẩy mạnh.
Cụ thể, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm, ngành Hải quan đã thu ngân sách đạt 215.450 tỷ đồng, bằng gần 80% dự toán được giao (270.000 tỷ đồng) và tăng 3,2% so với cùng kỳ.
Về hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, tính đến hết 15/11, số vụ buôn lậu, gian lận thương mại bị bắt giữ là hơn 13.800 vụ, trị giá quy đổi đạt 479.450 tỷ đồng, truy thu cho ngân sách Nhà nước trên 153.000 tỷ đồng.
Về công tác thu hồi nợ thuế, mặc dù số nợ thuế của các DN trên cả nước hiện rất lớn, trong đó tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Vũng Tàu... do số DN nợ thuế khó đòi, nợ không thể thu lớn. Tuy nhiên, 11 tháng đầu năm, ngành Hải quan đã xử lý được hơn 357 tỷ đồng nợ thuế, con số còn khiêm tốn so với số thuế đang bị nợ đọng ở các địa phương.
Theo Nguyễn Tuyền (Dân Trí)