Phát hiện doanh nghiệp gian lận
Theo ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, thời gian qua, Hải quan đã phát hiện các phương thức, thủ đoạn gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa.
“Với xuất xứ hàng hóa, một số doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp FDI) nhập khẩu nguyên vật liệu, bán thành phẩm, linh kiện, cụm linh kiện, phụ tùng để sản xuất,... nhưng hàng hóa không trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc chỉ trải qua công đoạn giản đơn, không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định. Nhưng những doanh nghiệp đó khi xuất khẩu khai xuất xứ Việt Nam trên nhãn hàng hóa, hợp thức hóa bộ hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam”- ông Tuấn cho hay.
Ngoài ra, có tình trạng doanh nghiệp đã thành lập nhiều công ty, trong đó mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện, phụ tùng hoặc bộ phận tháo rời để lắp ráp hoặc bán cho công ty khác thực hiện gia công, lắp ráp công đoạn đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định. Đáng nói, dù vậy nhưng sản phẩm của những doanh nghiệp này vẫn ghi sản xuất tại Việt Nam hoặc xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước nhằm “đánh lừa” người tiêu dùng hoặc xuất khẩu.
Không để trung chuyển qua Việt Nam
Đáng lo ngại, cơ quan Hải quan còn phát hiện nhiều vụ hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài chuyển qua Việt Nam để hợp thức hóa hồ sơ hoặc xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ sau đó xuất khẩu sang nước thứ ba.
Trước những dấu hiệu bất thường về kim ngạch của một số mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, Cục Điều tra chống buôn lậu đã rà soát kim ngạch xuất khẩu gỗ ván ép có mã hàng hóa (HS) 4412 từ Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ trong khoảng thời gian từ tháng 1/2018 đến tháng 3/2019. Qua thống kê cho thấy có 90 công ty thực hiện xuất khẩu gỗ ván ép HS 4412 từ Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ.
Cụ thể, nổi lên trong đó một số doanh nghiệp có chủ sở hữu là người Trung Quốc hoặc góp vốn với người Trung Quốc và một số doanh nghiệp khác có dấu hiệu xuất khẩu tăng đột biến.
Hiện Cục Điều tra chống buôn lậu đang điều tra dấu hiệu vi phạm ở 6 doanh nghiệp có trụ sở tại nhiều tỉnh, thành khu vực phía Bắc.
Ngoài ra, ông Âu Anh Tuấn cho biết, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các Cục hải quan địa phương tăng cường thu thập thông tin doanh nghiệp như: xác định năng lực của doanh nghiệp qua năng lực sản xuất, theo dõi về sử dụng điện, nước, lao động và một số hoạt động nhập khẩu nguyên liệu đầu vào… để xác định doanh nghiệp có thực sự gia công, sản xuất hay chỉ "mần" một số công đoạn đơn giản mà không chế biến sâu.
Từ đó sẽ chỉ đạo các lực lượng thực hiện kiểm tra sau thông quan, điều tra hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiểm tra trước khi cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) hoặc kiểm tra kỹ doanh nghiệp xuất khẩu xem có đủ điều kiện để khai các tiêu chí xuất xứ Việt Nam hay không (?!)
Theo Tuấn Nguyên (Tiền Phong)