Thu phí sân bay căn cứ vào đâu, thu tới chừng nào?

30/08/2017 11:40:00

Trên khắp cả nước, những ôtô ra vào hầu hết sân bay đều phải trả một khoản tiền 10.000 - 30.000 đồng/lượt, là phí sử dụng “sân, đường” của sân bay. Phí này thu căn cứ vào đâu, dùng vào việc gì và thu tới chừng nào?

Trên khắp cả nước, những ôtô ra vào hầu hết sân bay đều phải trả một khoản tiền 10.000 - 30.000 đồng/lượt, là phí sử dụng “sân, đường” của sân bay. Phí này thu căn cứ vào đâu, dùng vào việc gì và thu tới chừng nào?

Trạm thu phí ôtô của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tại TP.HCM, số liệu từ báo cáo của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trong năm 2014 có khoảng 22.400 ôtô/ngày ra vào sân bay.

Với mức thu thấp nhất là 10.000 đồng/lượt xe, thì bình quân mỗi ngày (thời điểm 2014) cảng hàng không này thu ít nhất được hơn 220 triệu đồng/ngày, hơn 80 tỉ đồng/năm. Việc thu phí này diễn ra liên tục từ sau năm 2002 đến nay.

Ở những sân bay khác, tình hình cũng tương tự.

Sân bay tự đặt mức phí

Chạy taxi đón trả khách ở sân bay Tân Sơn Nhất gần 10 năm nay, ông N.T.D. cho biết trước khi ông bước vào nghề thì sân bay đã thu phí rồi và đến giờ vẫn tiếp tục thu.

“Tiền phí cầu đường 10.000 đồng qua trạm thì hành khách phải trả. Tuy nhiên, cũng có trường hợp khách thấy việc trả phí này là vô lý nên không chịu trả thì tôi phải tự bỏ tiền túi để đóng” - ông D. nói.

Các tài xế taxi cho rằng khi đưa khách vào sân bay Tân Sơn Nhất với đoạn đường chưa tới 1km nhưng vẫn phải trả phí 10.000 đồng/lượt là điều “rất khó hiểu”.

Tại Hà Nội, những người hành nghề taxi phải trả 15.000 đồng/lượt xe ra vào sân bay Nội Bài. Ông Thủy, một tài xế, cho biết: bình quân 1 ngày ông đưa ba chuyến khách, phải tốn 45.000 đồng.

Ông kêu khổ: “Quy định là hành khách phải đóng nhưng do trạm thu đặt ở lối ra nên tài xế rất khó giải thích để khách hiểu. Đặc biệt là du khách quốc tế đi từ Hà Nội đến sân bay, khi chưa qua trạm thu thì nhất định không đóng tiền phí”.

Ngoài ra, việc thu phí còn được tính theo thời gian đậu trong sân bay: xe đến 9 chỗ, xe tải đến 1,5 tấn chịu phí là 15.000 đồng trong thời gian 60 phút. Sau 60 phút, mỗi giờ tính thêm 5.000 đồng. Các loại xe lớn hơn có mức đóng cao hơn, tới 30.000 đồng.

Dĩ nhiên, dù xe chỉ vào sân bay trả khách và đi ngay trong vòng vài ba phút cũng bị tính mức phí 15.000 đồng. Điều này là thông lệ ở tất cả các sân bay có thu phí “sân, đường”.

Mức phí “sân, đường” ở các sân bay không thống nhất mà là loạn giá. Cao nhất là phí ra vào sân bay Phú Quốc: xe 7 chỗ là 20.000 đồng/lượt và xe 4 chỗ là 15.000 đồng/lượt (xem đồ họa).

Thu phí sân bay căn cứ vào đâu, thu tới chừng nào?

Mức phí ra, vào sân bay với các loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Thu đến chừng nào: vô thời hạn!

Tại sao và dựa vào quy định nào để thu phí ôtô ra vào sân bay? Về câu hỏi này, mỗi nơi trả lời một kiểu, không dựa trên quy định, văn bản pháp luật nào.

Ông Lê Xuân Tùng, giám đốc cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, cho biết việc thu phí xe ra vào đường sân bay đã áp dụng từ mấy chục năm nay và tất cả các sân bay trên cả nước đều thu theo quy định của Bộ Tài chính.

“Đâu phải muốn thu như thế nào là thu vì giá đã niêm yết ngay tại trạm và mức giá đã được phê duyệt của Bộ Tài chính. Cảng là người trực tiếp đứng ra thu nhằm tôn tạo hạ tầng sân bay, nhà ga để phục vụ hành khách” - ông Tùng nói.

Còn phó giám đốc cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, ông Trần Mạnh Hồng lại cho hay: “Chúng tôi đều thu theo quy định của Sở Tài chính. Thu như thế nào và tiền sử dụng vào mục đích gì thì Sở Tài chính Kiên Giang mới nắm rõ được”.

Với cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đại diện cảng cho biết thực hiện khoản thu đối với hai loại dịch vụ là giá dịch vụ sân đỗ ôtô và sử dụng sân, đường.

Chứng từ thu hai loại dịch vụ này đều được đăng ký với Cục Thuế Hà Nội. Vị đại diện cảng cho biết “xây dựng giá dịch vụ theo đúng thẩm quyền quy định tại Luật hàng không dân dụng VN 61/2014/QH13 ngày 21-11-2014 (sửa đổi bổ sung một số điều Luật hàng không dân dụng VN)”.

“Tất cả các nguồn thu - trong đó có phí sân, đường - sau khi thu sẽ nộp về Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV). Do phải thường xuyên chi phí các hoạt động ở cảng nên sẽ không có thời gian dừng thu phí” - vị đại diện cảng hàng không quốc tế Nội Bài giải thích thêm. Nghĩa là việc thu phí là vô thời hạn.

Theo báo cáo của ông Phạm Vũ Cường, phó giám đốc cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, với Sở Giao thông vận tải TP, trong năm 2014 có khoảng 22.400 ôtô/ngày ra vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Nhân với mức thu thấp nhất là 10.000 đồng/xe thì bình quân cảng hàng không này thu ít nhất được hơn 220 triệu đồng/ngày, tương đương 80,3 tỉ đồng/năm.  

Hàng ngàn tỉ đồng mà sân bay đã thu phí trong hàng chục năm qua đã sử dụng vào mục đích gì? Và đến bao giờ mới dừng thu phí?

Câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ!

Từ nhiều năm nay, không biết sân bay Tân Sơn Nhất đã thu phí ra vào sân bay vì mục đích gì.

Việc thu phí này không minh bạch vì đơn vị thu phí không công bố vốn đầu tư xây dựng đường trong sân bay là bao nhiêu và đến bao giờ mới hết thu phí

Ông Lê Trung Tính (chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM)

 

Sân bay Tân Sơn Nhất: thu, dừng rồi thu tiếp

Năm 1993, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án mở rộng nâng cấp đường Trường Sơn thuộc sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Đoạn đường có chiều dài 940m, rộng 34m, bắt đầu thu phí từ năm 1994 với thời gian 20 năm.

Tuy nhiên, do lượng xe lưu thông trên đường Trường Sơn tăng rất cao và các nhà đầu tư đã có lãi nên từ ngày 1-1-2002, UBND TP.HCM ra quyết định ngừng thu phí đối với trạm thu phí này. Sau đó, việc thu phí ra vào sân bay do cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất tổ chức thực hiện đến nay.

N.ẨN


Theo Quang Thế - Ngọc Ẩn - Tuấn Phùng (Tuổi Trẻ)

Nổi bật