Thứ nước có màu và chút vị giống mắm... Cục Hoá chất quản lý?

11/03/2019 10:14:31

Ở ta chỉ cần rõ ràng quản lý nghề sản xuất nước mắm là việc của Tổng cục Thuỷ sản, quản lý sản xuất thứ nước có màu và chút vị giống nước mắm là việc của Cục Hoá chất…

Mất đoàn kết mắm truyền thống - mắm công nghiệp: Nỗi lo của 1 chuyên gia 

Vào chiều ngày 8/3, tại cuộc gặp gỡ báo chí Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cùng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng - TĐC (Bộ KH&CN) để trao đổi các vấn đề liên quan đến Dự thảo TCVN 1260: 2019 Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm.

Trao đổi về nội dung của dự thảo trên tại gặp gỡ, PGS. TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế) khẳng định đây là quy phạm hoàn toàn phù hợp với thực tiễn.

Thứ nước có màu và chút vị giống mắm... Cục Hoá chất quản lý?
Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng

Ông Đáng cho biết, ông đã đọc dự thảo này rất kỹ và thấy nó không phải dành cho loại nước mắm nào cả mà dành cho chung nước mắm ở Việt Nam. Nhằm bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng và kiểm soát được các mối nguy.

Đề cập đến vấn đề cần làm rõ khái niệm mắm truyền thống và mắm công nghiệp trong dự thảo, theo ông Đáng, tiêu chuẩn của nhà nước chỉ gọi là nước mắm và nước mắm nguyên chất. Vậy tại sao lại gọi là nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp.

“Theo tôi, tất cả chúng ta sản xuất nước mắm hiện nay là dựa trên nguyên tắc lên men tự nhiên. Ở đây dự thảo không phải đưa ra các chỉ tiêu, mà đưa ra các quy định về chức năng, về điều kiện… áp dụng cho tất cả các cơ sở sản xuất nước mắm đề vì sức khoẻ người tiêu dùng”. Ông nói và cho biết, chuyện này không phải dành riêng cho ai. Thế nên, mình không nên chia rẽ nhau ra mất đoàn kết.

“Tôi nghĩ cần thiết để ban hành, ban hành sớm. Chúng ta có công cụ để bảo vệ người tiêu dùng, cơ quan quản lý dựa vào đó để kiểm tra, thanh tra”, ông cho hay.

Trong khi đó, cùng 1 buổi chiều,  tra đổi với báo chí bên lề buổi gặp gỡ, TS. Trần Thị Dung, chuyên gia trong ngành nước mắm cho biết, cuối tháng 2 vừa qua khi bà vào miền Nam làm việc với các nhà sản xuất nước mắm truyền thống, họ chỉ có nguyện vọng trả lại tên nước mắm truyền thống cho họ, tách nước mắm truyền thống riêng ra chứ không đánh đồng với nước mắm công nghiệp.

Phải tách bạch chỉ có cá và muối từ chượp ra là nước mắm nguyên chất. Còn chuyện nước mắm pha loãng, cho thêm hương liệu nhân tạo, phẩm màu, chất bảo quản... thường gọi là nước mắm công nghiệp thì đứng riêng ra.

Sở dĩ chúng tôi gọi là nước mắm công nghiệp là bởi một ngày các đơn vị có 10 cái tank hoặc 10 cái bể thì họ có thể làm ra cả 100 ngàn lít ví dụ thế. Trong khi, các nhà sản xuất mắm truyền thống, họ làm từ muối và cá thì phải mất hàng năm trời, thậm chí ở miền bắc còn mất tới 1,5 năm. Như vậy làm sao đánh đồng 2 cái với nhau được”, bà nói.

Hiện có khoảng 2.800 cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống. Các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống đều được Cục, Chi Cục hay phòng an toàn vệ sinh thực phẩm,... cấp phép chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất. Nếu không đủ điều kiện thì các cơ sở này đã bị đóng cửa từ lâu.

Điều khiến bà và các nhà sản xuất nước mắm truyền thống lo ngại nhất chính là dùng thẩm quyền của cơ quan nhà nước để đưa ra định nghĩa xóa nhòa ranh giới giữa nước mắm truyền thống và nước mắm pha chế công nghiệp, bà trăn trở.

Người máy và nước mắm công nghiệp

Dự thảo TCVN 1260: 2019 Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm đang gây tranh cãi, thậm chí khiến dư luận phẫn nộ. Bởi, có luồng ý kiến cho rằng, nhiều nội dung của dự thảo này đưa ra quy định gây khó cho sản xuất nước mắm truyền thống.

Không đi sâu vào các tiêu chí hay quy trình, nhưng chia sẻ về vấn đề này trên trang facebook cá nhân ngày 9/3, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) và cũng là một nhà đầu tư lớn đang theo đuổi sự nghiệp nông nghiệp hữu cơ đã có 1 liên tưởng đến câu chuyện sản xuất được người máy dùng thay thế con người để làm một số phần việc trong cuộc sống.

Ông Hưng viết: “Công ty sản xuất đã đưa các chỉ tiêu kỹ thuật của người máy để các phòng hộ sinh làm tiêu chuẩn xét cho phép các bé theo tiêu chí này được ra đời. Một không khí hoảng loạn thật sự đã xảy ra, từ trước đến giờ các cặp đôi cứ yêu nhau có thể ở tư thế này hay tư thế khác, sau 9 tháng 10 ngày thì con người ra đời, giờ phải thích ứng vật liệu với phần mềm tạo ra người máy.

Còn ở ta, khi có dự thảo về các chỉ tiêu của ngành sản xuất nước mắm được đưa ra thì không khí phẫn nộ của các nhà sản xuất nước mắm thật từ ngàn đời nay được đẩy lên tột đỉnh. Với họ cái nghề của cha ông mà theo khái niệm từ trước đến nay “Nước mắm là chất nước rỉ ra từ cá tôm hay động vật khác được ướp muối lâu ngày” nay lại bị kiểm soát dựa trên tiêu chí một thứ nước được pha bởi màu và mùi vị từ hoá chất công nghiệp. Tự nhiên từ trước giờ cha ông để lại nghề nông nghiệp nay lại xếp vào danh mục cùng “Tổng công ty hoá chất”.

Ở xứ kia người ta đã giải quyết nỗi lo của các bậc cha mẹ rất đơn giản, người mới có thể là người, chứ cái nhìn giống người sao thể là người, việc đón nhận con người khi sinh ra là việc của Bộ Y tế, còn sản xuất người máy là việc của Bộ Công nghiệp và bắt gọi sản phẩm làm ra theo đúng bản chất là Robot chứ chẳng thể gọi là người.

Ở ta chỉ cần rõ ràng quản lý nghề sản xuất nước mắm là việc của Tổng cục Thuỷ sản, còn việc quản lý sản xuất thứ nước có màu và chút vị giống nước mắm là việc của Cục Hoá chất, và không cho gọi là nước mắm tránh cho người tiêu dùng bị nhầm lẫn. Như thế, mọi vấn đề được giải quyết ngay, chẳng ai còn tranh cãi nữa.

Viết status này khi đang đang ngồi ăn với một số bạn bè có hiểu biết, có chút liên quan về việc trên. Tất cả mọi người đều hiểu tại sao có dự thảo này, và gia đình họ thì không bao giờ dùng thứ nước chấm pha từ hoá chất mà chỉ dùng nước mắm làm từ cá. 

Theo Tâm An (VietNamNet)