Vào những ngày cuối năm, Hà Nội chìm trong giá lạnh. Từ tờ mờ sáng cánh lái xe đã “bày binh bố trận” ở những địa điểm bán đào, quất ở đường Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội để chuẩn bị sẵn sàng cho một ngày mới.
Họ không làm cố định, chủ vườn nào gọi vận chuyển, giá cả hợp lí là đi. Phương tiện vận chuyển đơn giản, người thì dùng xe ba gác, người dùng xe máy, xe tải. Những người không có phương tiện cũng tranh thủ làm chân bốc cây lên xe cho chủ vườn, kiếm thêm thu nhập.
Anh Duy, một lái xe lâu năm ở Hà Nội chia sẻ với phóng viên: “Muốn vận chuyển được nhiều chuyến, tôi phải có mặt ở đây từ 7 giờ sáng, đi giao cây đến tối. Sau khi thương lượng giá cả với nhà vườn, bốc cây lên xe, không kể gần, xa, mưa rét cứ thế đi giao cây.
Những ngày cuối năm khách đông mới có cơ hội kiếm thêm bù vào thường ngày. Thời điểm đông nhất là khoảng 20 tháng Chạp âm lịch. Khi đó đi cánh lái xe chúng tôi đi không biết mệt mỏi, không thiết ăn uống.
Chi phí vận chuyển thay đổi tùy theo thời gian, độ dài quãng đường, cây to hay cây bé. Có những chuyến chỉ vài trăm nghìn nhưng có chuyến xa, ngoại tỉnh giá lên đến 1 triệu- 1,5 triệu. Thu nhập cũng từ đó tăng lên, ngày cao nhất là 3 triệu đồng”.
Miễn phí vận chuyển cây cảnh ngày Tết được tất cả các nhà vườn áp dụng để thu hút khách mua. Sau khi thương lượng giá cả, nhà vườn sẽ thuê các lái xe chở cây đến địa chỉ khách yêu cầu.
Chị Thảo, một chủ cửa hàng bán lẻ cây cảnh, đường Lạc Long Quân cho biết: “Chi phí vận chuyển cây cảnh đã có trong giá khi thương lượng với các khách hàng. Hầu hết các chủ vườn đều thuê lái xe vận chuyển trong những ngày Tết, vì khách hàng đến mua liên tục và yêu cầu giao cây ngay. Cây nhỏ thì thuê xe máy, cây to thì thuê xe ba gác, hoặc xe tải.
Hiện tại tôi thuê khoảng 5 nhân công vận chuyển cây cảnh. Từ 23 âm thì sẽ phải thuê nhiều hơn. Các lái xe thuê đến từ nhiều nơi khác nhau, có những người từ Nghệ An, Yên Bái. Ngày Tết ai cũng tranh thủ để kiếm thêm thu nhập.”
Dịch vụ vận chuyển cây cảnh mang đến thu nhập cao cho những lao động trong ngày Tết, nhưng bên cạnh đó sự vất vả không thể kể hết. Nhiều lái xe đã sống trong cảnh màn trời, chiếu đất, bất chấp mưa rét để chờ những đơn vận chuyển của chủ vườn đào.
Những lái xe đều có hoàn cảnh khó khăn, quê nhà mất mùa, không có việc làm, kinh tế gia đình suy sụp phải lên Hà Nội tìm nghề làm thuê.
Một lái xe lâu năm ở Hà Nội tâm sự: “Tôi và con trai cùng nhau lên Hà Nội để làm lái xe thuê. Bố chở thuê xe máy, con chở thuê xe ba gác. Những ngày Tết, hai bố con túc trực ở các vườn đào, chủ nào gọi thì đi luôn, không nhanh là bị mất chuyến. Tôi chuẩn bị sẵn mì tôm, nước uống trong xe, khi nào mệt thì trải áo mưa ngả lưng nghỉ ngay vỉa hè.
Nghề này vất vả và cũng nguy hiểm. Nhiều khi bị cướp mối hoặc bị những lái xe khác đánh vì tranh chấp địa bàn của họ. Ngày lễ, Tết ai cũng muốn kiếm thêm thu nhập nên không thể trách được.
Có lần vận chuyển đơn đi xa 30, 40 km nhưng giữa đường bị hỏng xe, hai bố con sửa mãi mới xong, giao đến cho khách thì hết ngày. Xem như hôm đó mất công sức mà không kiếm được bao nhiêu”.
Tết là thời điểm để nhiều lao động tranh thủ kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Để kiếm được đồng tiền, nhiều người phải xa quê bon chen ở nơi thành thị. Thu nhập cao đồng nghĩa với sự vất vả, giá phải trả là mồ hôi, xương máu.
Theo Tô Thanh (Giadinh.net.vn)