Thu nhập của lãnh đạo SCIC hàng trăm triệu đồng/tháng: Đặc quyền, đặc lợi

06/07/2016 14:16:00

Theo báo cáo thực trạng quản trị doanh nghiệp của Tổng Công ty Đầu tư và  Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) năm 2015 vừa công bố, thu nhập của Tổng  Giám đốc và các phó tổng giám đốc của Tổng Công ty này lên tới hàng trăm triệu đồng/tháng. 

Khoản thu nhập này, theo lý giải từ lãnh đạo Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), là cộng gồm nhiều khoản, trong đó có lương trên sổ sách tại SCIC, thù lao cho người đại diện SCIC tại các doanh nghiệp Nhà nước nắm cổ phần.

Theo báo cáo vừa được SCIC công bố, thù lao năm 2015 của ông Lại Văn Đạo - nguyên Tổng GĐ của SCIC (đã nghỉ hưu từ 1.5.2016) - là 576 triệu đồng. Nhưng tổng các lợi ích khác mới là khoản thu nhập lớn hơn, lên tới 852 triệu đồng. Như vậy, thu nhập trong 1 năm của Tổng GĐ SCIC là 1,428 tỉ đồng, tương đương 119 triệu đồng/tháng. Các phó tổng GĐ của SCIC và 2 kiểm soát viên tại SCIC cùng hưởng mức lương 522 triệu đồng/năm. Ngoài khoản lương tại SCIC, tổng cộng thu nhập của các phó tổng GĐ SCIC Hoàng Nguyên Học, Lê Song Lai, Nguyễn Quốc Huy, Nhữ Thị Hồng Liên khoảng 1,290 tỉ đồng, tương đương hơn 100 triệu đồng/tháng.

Không chỉ riêng lãnh đạo thu nhập cao, theo báo cáo tài chính năm 2015 của SCIC, mức thu nhập bình quân của mỗi cán bộ, nhân viên SCIC đạt 37 triệu đồng/tháng, cao hơn 9% so với con số 34,4 triệu đồng/tháng của năm 2014. Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2015, số nhân viên của TCty và Cty con là 273 người. Chi phí nhân viên của năm 2015 là 49,3 tỉ đồng, tăng 1,9 lần so với năm 2014. Chi phí nhân viên quản lý là 71,7 tỉ đồng - tăng 10%. Như vậy, tổng chi phí cho cán bộ, nhân viên SCIC năm 2015 là 121 tỉ đồng. Mức chi này không hẳn là tiền lương bình quân mà cán bộ nhân viên SCIC thực lĩnh, mà bao gồm nhiều chi phí liên quan đến lương mà doanh nghiệp phải trả như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hay kinh phí công đoàn.

Mức thu nhập của cán bộ, nhân viên và các cấp quản lý tại SCIC cao hơn nhiều so với các ngân hàng top đầu Việt Nam như Vietcombank, VietinBank, BIDV (dao động quanh mức 18-20 triệu đồng/tháng). Còn nếu so với Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), mức thu nhập tại SCIC cũng vượt trội hơn hẳn. Cụ thể, cán bộ, nhân viên tại VSD có thu nhập bình quân là 24 triệu đồng/tháng, các vị trí quản lý có mức thu nhập trung bình quanh mức 47 triệu đồng/tháng. Còn tại HOSE, thu nhập bình quân cán bộ, nhân viên là 16,84 triệu đồng/tháng, lương bình quân cán bộ quản lý 41,5 triệu đồng/tháng.

Thu nhập của lãnh đạo SCIC trích từ báo cáo thực trạng quản trị doanh nghiệp SCIC.

SCIC còn đang nắm vốn nhà nước của gần 200 DN

Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, hiện SCIC đang còn nắm giữ phần vốn nhà nước tại gần 200 doanh nghiệp, và các lãnh đạo của SCIC đều giữ chân trong HĐQT tại các doanh nghiệp này, bởi vậy các lãnh đạo đều nhận được các khoản thù lao hằng năm từ các doanh nghiệp này. Cụ thể, trường hợp của ông Lê Song Lai - Phó Tổng GĐ SCIC - nhận thù lao năm 2014 của Vinamilk được 770 triệu đồng, tại FPT là 20 triệu đồng/tháng, Tổng Cty CP Bảo Minh là 5 triệu đồng/tháng và các doanh nghiệp khác.

Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 5.7, khi được hỏi về lương lãnh đạo của Tổng GĐ, các phó tổng GĐ SCIC lên tới hàng trăm triệu đồng/tháng, ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch HĐQT SCIC - cho biết, số thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng cộng gồm nhiều khoản, không chỉ lương ở SCIC mà còn tiền thù lao các doanh nghiệp trả cho người đại diện SCIC. Số tiền này trong năm 2015 được ghi nhận là khoảng 11,8 tỉ đồng. Theo Chủ tịch SCIC, số tiền thù lao cho người đại diện SCIC kiêm nhiệm đều công khai và tuân theo quy định của Bộ Tài chính, quy chế tài chính của SCIC.

Theo Thông Chí (Lao Động)


 

Nổi bật