Một khảo sát hồi tháng 12/2020 của Navigos cho thấy với thu nhập bình quân của sinh viên mới ra trường tại TP.HCM và Hà Nội là 72 triệu đồng một năm. Trung bình mỗi tháng sinh viên mới ra trường chỉ có mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng. Đối với nhân viên có kinh nghiệm lâu năm, thu nhập bình quân 120 triệu đồng một năm, tương đương 10 triệu mỗi tháng.
Với mức lương trung bình từ 6-10 triệu đồng kể trên, rất khó để những người trẻ mới ra trường hay đi làm vài năm sở hữu được những tài sản có giá trị lớn như xe cộ hay nhà cửa. Điều này còn khó khăn hơn khi phần lớn người Việt Nam không được dạy về quản lý tài chính, chi tiêu.
Tuy nhiên trong vài năm gần đây, xu hướng học tập về quản lý tài chính cá nhân đang dần hình thành trong thế hệ trẻ. Câu hỏi đặt ra là với mức thu nhập thấp như trên thì nên quản lý tài chính cá nhân như thế nào cho hiệu quả?
Theo một chuyên gia tài chính, đây là điều ai cũng từng trải qua. Mới đi làm lương chỉ trên dưới 10 triệu đồng là điều bình thường nhưng càng thu nhập thấp chúng ta càng phải có ý thức kiểm soát chi tiêu. "Kiểm soát chi tiêu bằng cách nào? Cái nào cảm thấy không cần thiết thì chúng ta nên hạn chế", ông cho biết.
Lấy ví dụ chúng ta có nhu cầu đi lại từ các phương tiện như xe máy, xe ôm, xe đạp, ô tô. Lúc tài chính mình thấp thì làm sao để vẫn thoả mãn được nhu cầu với chi phí thấp nhất. Thường người trẻ hay có kiểu tâm lý chi tiêu theo cảm xúc.
Bạn bè có điện thoại xịn thì mình cũng phải có. Ông còn đưa ra ví dụ mình từng gặp những người lương chỉ 7-8 triệu nhưng sẵn sàng vay ngân hàng trả góp để để mua điện thoại đời mới nhất.
Nguyên tắc thứ 2 theo chuyên gia này là tuyệt đối không được chi vào tiêu sản. Hiểu đơn giản là bạn cần mua một chiếc xe xịn hay điện thoại xịn để làm gì? Bạn cần tư duy đây chỉ là những phương tiện trong đời sống. Nếu mua với số tiền quá lớn không những không giúp mình gia tăng thu nhập mà còn tốn tiền để duy trì như đổ xăng, bảo dưỡng hay rủi ro là bị mất trộm.
"Mình đừng tiêu những thứ lãng phí. Nên tiêu vào những thứ có khả năng sinh lời, phục vụ cho bản thân ví dụ học hành. Học để có kiến thức, học để có khả năng mình có công việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn.
Những thứ đó mình cần chi tiêu", vị chuyên gia này đưa ra lời khuyên. Theo đó bạn cần mất một quãng thời gian chịu khó chịu khổ, hy sinh thì mới có tương lai tốt hơn hiện tại.
Trong cuốn sách 100 quy luật thành công của tác giả Brian Tracy, ông cho rằng sự tự do về tài chính đến với những ai tiết kiệm 10% trở lên từ thu nhập của mình trong suốt cuộc đời của họ.
Một trong những điều nhỏ nhặt nhất mà bạn có thể làm cho bản thân mình đó là xây dựng một thói quen tiết kiệm một phần lương của bạn, lần lĩnh lương nào cũng vậy. Các cá nhân, gia đình, và thậm chí các xã hội đều ổn định và phát triển đến mức độ họ có mức tiết kiệm cao. Tiết kiệm hôm nay là những gì đảm bảo an toàn và những khả năng của ngày mai.
Trong cuốn sách Người đàn ông giàu nhất ở Babylon của tác giả George Clason cùng từng nhấn mạnh việc đầu tiên của ngày hôm nay là tiết kiệm 10% thu nhập của bạn, cất biến đi, và đừng bao giờ đụng đến nó. Đây là quỹ của bạn để tích lũy tài chính lâu dài và bạn đừng bao giờ sử dụng nó vì bất kí lý do gì ngoại trừ việc đảm bảo tài chính cho tương lai của bạn.
Điều nổi bật đó là khi bạn trả cho bản thân mình trước và bắt bản thân mình phải sống bằng 90% còn lại, bạn sẽ nhanh chóng quen với điều đó. Bạn là một người sáng tạo thói quen.
Khi bạn thường xuyên cất đi 10% thu nhập của mình, bạn sẽ trở nên rất thoải mái sống với 90% kia. Rất nhiều người đã bắt đầu bằng việc tiết kiệm 10% thu nhập của họ và sau đó tăng lên mức 15%, 20% và thậm chí nhiều hơn. Và rồi đời sống tài chính của bạn sẽ thay đổi rất nhiều.
Nếu việc tiết kiệm 10% là quá nhiều đối với bạn, hãy bắt đầu bằng cách tiết kiệm 1% và sống bằng 99% còn lại. Khi bạn trở nên sống một cách thoải mái với 99% thu nhập của bạn, tăng mức tiết kiệm của bạn lên 2%. Theo thời gian, hãy tăng mức tiết kiệm lên 10, 15 và thậm chí 20% thu nhập của bạn.
Theo Thảo Nguyên (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)