Tuy nhiên, dư luận hiện nay đang đặt nhiều vấn đề đối với cuộc "tố nhau" giữa hai công ty này với những vấn đề nổi cộm gồm có: Global Home dựa trên cơ sở nào để đưa ra con số phạt với Gia Hân? Liệu ca sĩ Thu Minh có thực sự đứng ngoài cuộc trong chuyện làm ăn của chồng? Với điều khoản giải quyết tranh chấp tại Toà Trọng tài Hồng Kông thì các công ty trong nước có thắng "cuộc chiến" này được không?...
Thu Minh có thực sự đứng ngoài "cuộc chơi"?
Ngay từ đầu, ca sĩ Thu Minh luôn phủ nhận thông tin thiếu nợ, cô còn cho biết, những gì các doanh nghiệp ở Việt Nam tố cáo là không đúng. Đặc biệt, chuyện làm ăn ở Global Home là chuyện của chồng cô, còn bản thân cô không biết và không liên quan gì đến những thương vụ này!
Khác với những gì người tố cáo đưa ra, Thu Minh lại bình tĩnh xuất hiện trước công chúng cùng lời khẳng định chắc nịch nhờ tới cơ quan công an vào cuộc và hẹn gặp người tố cáo mình tại tòa án.
Trao đổi với chúng tôi mới đây, bà Vũ Anh Minh, đại diện công ty Global Home tại Việt Nam khẳng định rằng ca sĩ Thu Minh không tham gia hoặc có vai trò gì trong việc đàm phán các hợp đồng kinh tế của Global Home K.S. Còn việc kinh doanh khác của ông Otto – chồng Ca sĩ Thu Minh có liên quan đến Thu Minh không thì Global Home không được biết.
Tuy nhiên, phía công ty Gia Hân cũng lên tiếng cho rằng họ đang nắm giữ những bằng chứng cho thấy ca sĩ Thu Minh có tham gia cùng chồng cô trong những lần hai bên gặp gỡ tại xưởng sản xuất của công ty Gia Hân.
"Đặc biệt, trong hai lần xuất hiện làm việc tại cơ quan Công an Đồng Nai về đơn tố cáo của công ty chúng tôi, cô ca sĩ Thu Minh đã đến với tư cách đại diện chồng mình để nói chuyện. Trong clip của chúng tôi sắp công bố lên mạng, ca sĩ Thu Minh còn nói rõ ràng rằng cô đến với tư cách là đại diện công ty Global Home", ông Nguyễn Hữu Ngọc - đại diện công ty Gia Hân nói.
“Trong buổi triệu tập của công an không có sự xuất hiện của ông Otto mà người có mặt là ca sĩ Thu Minh, việc thương lượng việc chia sẻ trách nhiệm với lô hàng lỗi cũng do ca sĩ này quyết định. Thời điểm đó số tiền mà Global Home chưa thanh toán cho Gia Hân là 490.000 USD, tuy nhiên sau khi tính toán khấu trừ thì Thu Minh (đại diện cho Global Home) đưa ra con số còn lại phải thanh toán là 100.000 USD. Mức giá này là không thể chấp nhận nên Gia Hân không đồng ý.” đại diện Gia Hân nhấn mạnh.
Nguồn gốc số tiền 250.000 USD Global Home đưa ra?
Đối với việc buộc công ty Gia Hân bồi thường 250.000 USD là dựa trên thoả thuận tự nguyện hay điều khoản nào của hợp đồng đã ký kết?
Bà Vũ Anh Minh cho biết: "Global Home không đưa ra thông tin về con số chính xác yêu cầu bồi thường cho thiệt hại do Gia Hân gây ra cho Global Home. Con số này đã được trình bày tại cơ quan điều tra, xin phép không chia sẻ vì đây có liên quan đến bí mật kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, con số 250.000 USD ở đây là con số mà Global Home đã bồi thường trực tiếp cho khách hàng của mình".
Cũng theo vị đại diện Global Home, công ty Gia Hân đã có email xác nhận chịu trách nhiệm về hàng hóa kém phẩm chất do sai quy trình, sử dụng dầu hỏa trong quá trình hoàn thiện sản phẩm. Global Home muốn yêu cầu đối tác chịu trách nhiệm bồi thường cho việc này chứ không phải như Gia Hân nói rằng giao hàng xong là hết trách nhiệm.
Còn theo ông Ngọc, theo các điều khoản trong hợp đồng, công ty sản phẩm được giao tại cảng ICD Long Bình, công ty Global Home nhập hàng vào kho ngoại quan và chờ thời điểm thích hợp xuất khẩu sang Czech nên công ty không nắm bất kỳ thông tin gì về sản phẩm sau đó.
"Chúng tôi khẳng định rằng mình không vi phạm bất kỳ điều khoản nào trong hợp đồng, mọi lý do đều do phía Global Home đưa ra để thoái thác việc thanh toán", ông Ngọc nói.
Về con số 250.000 USD, ông Ngọc cho rằng không rõ công ty Global Home đưa ra trên cơ sở nào, không có một bằng chứng kiểm định thiệt hại đến con số đó. Trong các thư điện tử qua lại giữa hai bên, Global Home yêu cầu công ty Gia Hân phải nộp phạt 250.000 USD thì mới chịu ngồi lại thương lượng.
Giải quyết tranh chấp ở Hồng Kông: Chồng Thu Minh nắm phần thắng?
Về vấn đề lớn nhất trong vụ tranh chấp này, trong các hợp đồng khung được ký với các doanh nghiệp Việt Nam của Global Home, tại điều khoản tranh chấp, cơ quan được chỉ định để giải quyết tranh chấp là tòa trọng tài ở Hồng Kông, với pháp luật được áp dụng là luật của Anh.
Vậy, nếu doanh nghiệp khởi kiện ra toà Việt Nam, nhiều người đặt câu hỏi rằng vụ việc này sẽ được thụ lý tại toà Việt Nam? Đây có phải là điều khoản "chết người" mà Global Home thường vận dụng khi ký hợp đồng với các công ty Việt Nam?
Theo lý giải của bà Minh, thực sự Global Home không biết việc liệu tòa Việt Nam có cơ sở để thụ lý các tranh chấp này không. Tuy nhiên, lý do tại sao lại chọn Trọng tài Hồng Kông là vì : Nếu chọn Việt Nam là nơi phân xử sẽ gây khó cho doanh nghiệp nước ngoài vì không am hiểu về ngôn ngữ, luật pháp nước sở tại.
Nếu chọn quốc gia của Công ty Global Home là Cộng hoà Czech tại Châu Âu thì doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ rất bất lợi về ngôn ngữ, luật pháp cũng như chi phí tốn kém. Do đó, các bên thống nhất Trọng tài Hồng Kông sẽ là nơi phân xử.
"Đây cũng là cách mà hầu như các công ty đa quốc gia đều làm như chúng tôi", bà Minh khẳng định với chúng tôi.
Ở một góc nhìn khác, Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Công ty Luật BASICO, cũng cho rằng trong trường hợp này chỉ khi thỏa thuận này bị vô hiệu, cơ quan chức năng tại Việt Nam mới có thẩm quyền giải quyết.
Theo đó, LS. Đức cho biết việc giải quyết tranh chấp bị vô hiệu khi mà thỏa thuận trái với quy định pháp luật của nước đấy, dẫn tới không xác định được cơ quan nào là cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, về vấn đề này LS. Đức cho rằng rất khó có thể xác định vì quy định ở nước ngoài khác với Việt Nam.
Tuy nhiên, với trường hợp phản ánh của một số doanh nghiệp gỗ tố cáo chồng ca sỹ Thu Minh là lừa đảo, quỵt nợ và họ cho rằng có bằng chứng rõ ràng, thì mặc dù có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại Hồng Kông, nhưng doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể khởi kiện ra cơ quan pháp luật của Việt Nam.
Theo Đăng Khải (Cafef.vn/Trí Thức Trẻ)