Đi xem World Cup 2022: Chỗ ở giá hơn 5 triệu/đêm như 'địa ngục trần gian'
Theo nhiều báo cáo trong khu vực, các khách sạn trong khu vực GCC, bao gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Kuwait, Oman và Qatar, đã ghi nhận lượng đặt phòng tăng đột biến so với thời điểm trước đại dịch.
Một chuyến bay từ Jeddah đến Doha mất khoảng hai giờ ba mươi phút, từ Dubai đến Doha mất khoảng một giờ và Muscat đến Doha mất khoảng một tiếng rưỡi. Ngược lại, Amman đến Doha mất khoảng hai giờ bốn mươi phút — khiến những thành phố này trở thành điểm dừng chân thuận tiện cho người hâm mộ ghé thăm.
World Cup 2022 là một giải đấu đặc biệt, khi nó diễn ra ở quốc gia nhỏ nhất từng đăng cai World Cup và là quốc gia Ả Rập thuộc vùng Vịnh đầu tiên làm việc ấy. Các nhà tổ chức kỳ vọng sẽ thu hút khoảng 1,2 triệu lượt khách đổ về Qatar. Bên cạnh đó, GCC và các quốc gia Ả Rập xung quanh cũng sẽ mở cửa cho du khách tham dự World Cup, nhằm tận dụng quảng bá hình ảnh đất nước cũng như khu vực tới thế giới.
Theo một nghiên cứu của RedSeer Strategy Consulting, World Cup được dự đoán sẽ tạo ra cơ hội doanh thu khoảng 4 tỷ USD từ chi tiêu của khách du lịch ở Qatar nói riêng và Trung Đông nói chung.
Bộ Di sản và Du lịch (MHT) tại Oman sẽ tiến hành nhiều sự kiện nhằm quảng bá những nỗ lực của Qatar để mang một kỳ World Cup thành công cũng như giới thiệu Muscat như một "trung tâm" của những người yêu bóng đá trên khắp hành tinh.
Những người sở hữu Thẻ Hayya có thể đến thăm Oman trong 60 ngày và được miễn phí thị thực nhập cảnh nhiều lần. Tại Saudi Arabia, Jordan hay UAE, chủ sở hữu Thẻ Hayya có thể sử dụng như thị thực nhập cảnh và được phép lưu trú trong tối đa 60 ngày.
Gần đây, Varun Ahuja, Giám đốc Kinh doanh tại Aloft Dubai South, nói với tờ Khaleej Times có trụ sở tại UAE rằng nhu cầu về phòng, đặc biệt là cho vòng bảng World Cup, đã khiến giá tăng đột biến.
Vào tháng 5, Qatar Airways thông báo rằng họ sẽ hợp tác với các hãng hàng không vùng Vịnh, bao gồm Flydubai, Oman Air, Kuwait Airways và Saudia, để khai thác các chuyến bay đưa đón du khách trong thời gian diễn ra World Cup.
Flydubai sẽ khai thác tới 60 chuyến bay hàng ngày từ Dubai, vận chuyển khoảng 2.500 người hâm mộ bóng đá. Trong khi, Oman Air sẽ thực hiện tới 48 chuyến bay hàng ngày từ Muscat với số lượng khách lên tới 3.400 người. Saudia sẽ khai thác khoảng 60 chuyến bay hàng ngày chở tới 10.000 người hâm mộ từ Riyadh và Jeddah.
Ngành khách sạn và du lịch ở Qatar cũng tiếp nhận lượng đặt phòng lớn chưa từng có. Mosaad Moustafa Eleiwa, Giám đốc điều hành của Outingqatar, nói với The Peninsula rằng họ sẽ đón khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới tới khám phá và tham gia những trải nghiệm sang trọng ở Qatar.
“Chúng tôi đang có rất nhiều đơn đặt và số lượng vẫn tiếp tục tăng lên. Ban quản lý đang tìm cách hợp tác với các chủ sở hữu du thuyền sang trọng quốc tế để mở rộng những dịch vụ mà khách sạn có thể cung cấp cho những người hâm mộ đến xem World Cup”, ông nói.
Bên cạnh đó, lĩnh vực thực phẩm và đồ uống (F&B) trong khu vực có lượng đơn đặt hàng tăng đột biến, cả trực tuyến và ngoại tuyến.
"Trong lịch sử, các kỳ World Cup đã thúc đẩy lượng mua thực phẩm và đồ uống đáng kể. Tuy nhiên, World Cup ở Qatar được cho là dịp để chứng kiến bước nhảy vọt", Sandeep Ganediwalla, đối tác quản lý của RedSeer có trụ sở tại Dubai (UAE), nói với Arabian Business.
Tuy nhiên, Qatar đã phải chi tới 300 tỷ USD trong hơn 10 năm để xây dựng sân vận động, hạ tầng giao thông, thành phố mới..., biến đây trở thành kỳ World Cup đắt đỏ nhất trong lịch sử. Và chắc chắn những con số màu hồng từ ngành du lịch, doanh thu bản quyền truyền hình, tiền tài trợ và thậm chí cả tiền bán vé các trận đấu... cũng không đủ giúp Qatar thoát khỏi việc lỗ nặng.
Và tất cả những nỗ lực đó không nhằm mục đích nào khác ngoài khuếch trương tầm ảnh hưởng của quốc gia non trẻ với tuổi đời 51 năm này ra khu vực của họ và cả thế giới nói chung ở mọi phương diện: văn hóa, du lịch đến đòn bẩy kinh tế, ngoại thương và đầu tư.
Theo Đỗ An (VietNamNet)