Tăng đều, năm sau cao hơn năm trước nhờ lượng xe tăng mạnh, số tiền phí đường bộ sau 5 năm thu về đã ngấp nghé con số 30.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, Bộ GTVT nhận định số tiền này chưa đáp ứng được 50% số tiền cần dùng để bảo trì hệ thống đường sá từ quốc lộ tới đường thôn xóm. Trong khi đó, người dân và DN lại cho rằng họ đang bị thu phí chồng phí, khi cứ ra đường là gặp... dự án BOT.
Người dân và DN cho rằng họ đang bị thu phí chồng phí, khi cứ ra đường là gặp... dự án BOT. Ảnh: HẢI NGUYỄN. |
Ngày 26.9, Bộ GTVT đã tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm triển khai quỹ bảo trì đường bộ. Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định, Quỹ là giải pháp quan trọng tạo nguồn lực bảo trì trên 500.000km đường bộ, trong đó đường quốc lộ chiếm 23.000km và đã góp phần kéo giảm sâu TNGT cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Còn ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ - cho rằng, sau khi có quỹ, “những con đường đau khổ chẳng còn bao nhiêu” vì công tác sửa chữa kịp thời, hiệu quả hơn, toàn bộ các dự án đều thông qua đấu thầu công khai kể cả bảo dưỡng thường xuyên, bảo dưỡng định kỳ.
Trong 5 năm trở lại đây, Tổng cục không liên quan đến các nhà thầu như trước đây và thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên, giám sát theo kế hoạch thanh tra thường xuyên đồng thời hằng năm đều được cơ quan kiểm toán tiến hành kiểm toán nên rất công khai minh bạch.
Sau 5 năm, Tổng cục Đường bộ VN đã xử lý 1.031 cầu yếu, xoá 614 điểm đen giao thông, thay thế, bổ sung 13.252 biển báo hiệu đường bộ, xây dựng, sửa chữa 1.138.000m hộ lan, tường chắn, sửa chữa mặt đường 76.806.418m2…
Từ năm 2013 đến nay, quỹ dự kiến thu được 29.497 tỉ đồng trong đó riêng năm 2017 số tiền ước tính thu được sẽ đạt 7.047 tỉ đồng. Cùng với sự tăng trưởng của phương tiện giao thông, số tiền phí thu được cũng tăng mạnh với mức từ 106%-255%.
Tuy nhiên, hàng nghìn tỉ tiền phí đường bộ được nhận định chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế vì trung bình mới đáp ứng gần 45% nhu cầu tối thiểu của công tác bảo trì hệ thống đường bộ trong đó năm 2017 với mức phí thu cao nhất cũng chỉ đáp ứng 50,3% nhu cầu tối thiểu.
Quỹ bảo trì đã đủ minh bạch và có hay không việc phí chồng phí?
Khi được hỏi về việc có hay không chuyện phí chồng phí khi người dân ra đường là gặp đường BOT, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho rằng hệ thống đường bộ hiện có 583.000km đường các loại từ quốc lộ đến đường nội đồng địa phương trong khi đó trên toàn quốc mới có hơn 2.000km bảo trì bằng phí BOT, so với quốc lộ thì mới chiếm 10%, so với toàn quốc chỉ chiếm 1%.
Theo ông Huyện, QL1 có 29 trạm thu phí nhưng vốn trái phiếu thi công 700km, vốn BOT chỉ thi công 968km, và có 500km không được đầu tư nên vẫn phải dùng tới quỹ bảo trì để bảo dưỡng. Ông này cho rằng không thể nói phí chồng phí được vì BOT chỉ lo được 10% của đường quốc lộ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho rằng vẫn có chuyện phí chồng phí trên một số tuyến đường.
“Có những tuyến đường xe khách hoặc người dân di chuyển cố định mà tuyến đó đã BOT thì rõ ràng là phí chồng lên phí” - ông Thanh nhận định và cho rằng phải bóc tách ra và nếu DN hoặc người dân chỉ chạy trên các tuyến BOT thì phải trả lại cho họ tiền đóng cho quỹ bảo trì.
Còn chuyên gia Phạm Sanh cho rằng hiện các trạm BOT đang dày đặc QL1 nên không thể nói chỉ có 2.000km bảo trì bằng phí BOT chưa kể các tuyến đường địa phương BOT rồi thì có tính không. Ông Sanh cũng nhận định quỹ bảo trì không phục vụ cho việc bảo trì các đường liên thôn, liên xóm mà toàn do người dân tự bỏ tiền ra. Do đó, chuyên gia này cho rằng việc thu, chi phí đường bộ chưa thật minh bạch khi bộ GTVT tự chi tự kiểm tra và đề nghị phải có sự giám sát của quốc hội, có thanh tra, kiểm tra độc lập.
Liên quan tới quy trình chi của quỹ bảo trì đường bộ, theo quy định mới trong năm 2017 trừ 65% số tiền quỹ đổ về Tổng cục Đường bộ, 35% tiền quỹ còn lại sẽ đổ về ngân sách địa phương rồi mới chi cho công tác bảo trì. Một số địa phương cho rằng việc không được chi thẳng tiền như vậy làm chậm tiến độ giải ngân và ảnh hưởng tới chất lượng công tác bảo trì.
Ông Trịnh Xuân Hùng - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Sơn La - cho biết để giải ngân số tiền 35% dành cho công tác bảo trì đường địa phương, Sở phải thông qua UBND, xin ý kiến HĐND rồi mới làm thủ tục đầu tư và nhanh nhất cũng mất 4 tháng cho các loại thủ tục nên mất cơ hội sửa chữa kịp thời các công trình giao thông.
Còn Bộ GTVT hiện đang trình Thủ tướng về cơ chế đặc thù cho quỹ bảo trì vì cho rằng việc bảo trì đường bộ khác với xây dựng cơ bản và nếu chậm sửa chữa thì ổ gà có thể thành ổ voi, làm tăng chi phí, giảm hiệu quả của công tác bảo trì.
Theo Khánh Hòa (Lao Động)