Thông qua 2 luật quan trọng, cổ phiếu bất động sản, ngân hàng sẽ 'dậy sóng'?

22/01/2024 16:06:59

Nhóm cổ phiếu bất động sản và ngân hàng là tâm điểm thu hút sự quan tâm và đánh giá của giới đầu tư trong tuần qua, khi Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các Tổ chức Tín dụng (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp bất thường của Quốc hội hôm 18/1.

VN-Index tăng 26,8 điểm, vượt ngưỡng 1.180 điểm

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Chứng khoán VnDirect, cho rằng, thị trường chứng khoán tích cực hơn kỳ vọng trong tuần 15-19/1 nhờ những thông tin hỗ trợ đến từ nghị trường Quốc hội.

Việc Quốc hội thông qua cả 2 dự luật quan trọng và được mong chờ từ lâu là Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là chất xúc tác cho đà tăng của thị trường.

Thị trường chứng khoán có một tuần giao dịch ấn tượng trong bối cảnh các doanh nghiệp niêm yết bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý IV và kỳ họp Quốc hội bất thường mang đến những thông tin hỗ trợ tích cực.

Sau những phiên tạm thời nghỉ ngơi, nhóm cổ phiếu ngân hàng hút dòng tiền trở lại, qua đó giúp chỉ số VN-Index tiếp tục tăng điểm và kết phiên cuối tuần (19/1) ở mức cao nhất kể từ đầu năm 2024.

Sắc xanh trở lại ở hầu hết cổ phiếu trong nhóm ngân hàng. Một số mã vượt hoặc lên đỉnh cao lịch sử, như trường hợp cổ phiếu BID của Ngân hàng BIDV, ACB của Ngân hàng Á Châu, LPB của Ngân hàng LPBank...

Có thể thấy, nhóm ngân hàng là điểm nhấn tích cực nhất củng cố cho xu hướng dòng tiền lớn tham gia, qua đó tác động đến nhiều nhóm ngành khác vào cuối tuần như tiêu dùng (+1,1%), bất động sản khu công nghiệp (+1%)...

Chốt tuần, chỉ số VN-Index tăng 2,2% so với tuần trước lên 1.181,5 điểm. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index giảm nhẹ 0,4% xuống 229,48 điểm và Upcom-Index tăng 0,6% lên 87,46 điểm.

Thông qua 2 luật quan trọng, cổ phiếu bất động sản, ngân hàng sẽ 'dậy sóng'?
Thị trường chứng khoán tích cực hơn kỳ vọng trong tuần 15-19/1. (Ảnh: HH)

Bên cạnh đó, cổ phiếu BIDV tăng 8,4%; Vietcombank (VCB) tăng 4,4%. Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hồi phục 4,2%, trong khi Thế giới Di động (MWG) hút khá mạnh dòng tiền (trong đó có khối ngoại) và tăng tới 9,9%.

Ở chiều ngược lại, Ngân hàng SHB của ông Đỗ Quang Hiển giảm 1,2%, Ngân hàng SeABank (SSB) của nhà bà Nguyễn Thị Nga giảm 1,5%. Cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt giảm 1,3% cũng gây áp lực lên chỉ số chung của thị trường.

Một điểm trừ khác là thanh khoản chưa bùng nổ. Khối lượng khớp lệnh vẫn thấp hơn 10,8% so với mức trung bình 20 phiên. Giá trị giao dịch trên 3 sàn giảm gần 29% so với tuần trước, xuống 15.868 tỷ đồng/phiên.

Trong tuần 15-19/1, giới đầu tư cũng ghi nhận sự trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài, với việc mua ròng 454 tỷ đồng, sau một năm bán mạnh.

Nhóm bất động sản có hồi phục?

Ông Đinh Quang Hinh cho rằng, tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục nối dài đà tăng với sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng quốc doanh như BID, CTG hay VCB. Dòng tiền cũng có sự lan tỏa tích cực hơn khi đà tăng đã xuất hiện ở những nhóm cổ phiếu khác, như bán lẻ, thép, bất động sản. Đây là điểm sáng so với tuần giao dịch trước đó.

Đồng thời, khối ngoại cũng có động thái mua ròng liên tục trong những phiên gần đây. Nhìn tổng thể, đà tăng của thị trường chưa có dấu hiệu đảo chiều. Bên cạnh đó, bức tranh kết quả kinh doanh quý IV/2023 đang dần hé lộ với gam màu tươi sáng sẽ giúp dòng tiền duy trì được sức nóng và luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu nhằm giữ nhịp tăng của thị trường.

Trong một báo cáo vừa công bố, chuyên gia Hoàng Huy và Nguyễn Hoàng Minh đến từ Chứng khoán Maybank (MSVN) dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ổn định xuyên suốt trong năm 2024, với tiêu điểm là sự phục hồi tiêu dùng nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, tình hình tài chính của hộ gia đình ổn định hơn và sự hồi sinh dần của thị trường bất động sản.

Theo Maybank Securities, đây là yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán. CTCK này đưa ra 2 kịch bản cho VN-Index với mức tăng tiềm năng lần lượt là 11% và 26%, dựa trên tăng trưởng lợi nhuận 19,8% và cơ hội Việt Nam nâng hạng trở thành thị trường mới nổi (emerging market) là bước chuyển đổi quan trọng để đạt được kịch bản tích cực. 

MSVN đặt cược vào các ngành có tính chu kỳ, đặc biệt là liên quan đến tiêu dùng, nâng nhận định về ngành bất động sản từ "tiêu cực" lên "trung lập".

Chứng khoán Kiến Thiết (CSI) nhận định, mức kháng cự mạnh 1.200-1.210 điểm đang ở gần phía trước, nhưng với đà bứt phá mạnh của nhóm ngân hàng thì khả năng cao VN-Index sẽ kiểm chứng ngưỡng kháng cự trên trong các phiên của tuần mới.

Tuy nhiên, theo CSI, quan sát về khối lượng khớp lệnh cũng như số nhóm ngành tăng giá trong tuần qua (9/21 nhóm ngành tăng, chủ yếu dòng tiền lớn tập trung ở ngân hàng và nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn), thì có thể thấy xung lực tăng điểm chỉ tập trung và chưa có sự trải rộng ra nhiều nhóm ngành. Vậy nên, khả năng cao sự rung lắc mạnh sẽ xảy ra khi VN-Index tiếp cận vùng kháng cự trên. 

CSI cũng đưa ra khuyến nghị thực hiện hóa lợi nhuận khi VN-Index tiến tới vùng kháng cự trên và hạn chế việc mua đuổi trong những phiên tăng sắp tới.

Trên thế giới, nền kinh tế toàn cầu được đánh giá vẫn chưa thoát khỏi khó khăn khi căng thẳng địa chính trị leo thang và lãi suất neo ở mức cao. Năm 2024 được dự báo sẽ là một năm đầy biến động. Dù vậy, kinh tế Mỹ lại được đánh giá sẽ chỉ suy thoái nhẹ, không quá nghiêm trọng.

Trong phiên cuối tuần 19/1, chỉ số chứng khoán tầm rộng của Mỹ tăng thêm hơn 1,2% lên mức cao kỷ lục mọi thời đại: 4.839,81 điểm.

Theo Mạnh Hà (VietNamNet)

Nổi bật