Giải trình đóng góp của đại biểu về dự thảo luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi sáng nay 26.10, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết 3 ngân hàng thương mại đã mua bắt buộc (OceanBank, GPBank và Ngân hàng Xây dựng) chưa niêm yết, nên không có giao dịch để làm căn cứ xác định giá thị trường.
Vì thế cơ quan soạn thảo đề nghị sửa lại quy định về xác định giá chuyển nhượng phần vốn góp không thấp hơn giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ do tổ chức kiểm toán độc lập xác định.
Theo ông Hưng, việc áp dụng phương thức bán thông qua đấu giá công khai là không khả thi, đặc biệt đối với việc bán một ngân hàng đang có giá trị thực của vốn điều lệ và quỹ dự trữ âm.
“Việc công khai rộng rãi về bán đấu giá ngân hàng với vốn chủ sở hữu âm rất lớn, sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của người dân, dễ dẫn đến phản ứng tiêu cực rút tiền hàng loạt không chỉ tại ngân hàng được bán đấu giá mà cả tại các ngân hàng khác, ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng”, ông Hưng nói.
Chia sẻ lo ngại của nhiều đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, việc phá sản tổ chức tín dụng có thể dẫn đến nguy cơ người gửi tiền rút tiền ồ ạt lan chuyền, đe dọa đổ vỡ dây chuyền, ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng.
Đây là lý do trong luật, chủ trương phá sản chỉ xem xét theo nguyên tắc là biện pháp cuối cùng khi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện, hoặc thực hiện không thành công các phương án khác (phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, giải thể hoặc chuyển giao bắt buộc).
Để tránh đổ vỡ và gây mất an toàn hệ thống, bảo đảm lợi ích của người gửi tiền, không ảnh hướng đến an ninh tiền tệ quốc gia, trật tự an toàn xã hội, Chính phủ có thể quyết định áp dụng việc chi trả vượt hạn mức bảo hiểm tiền gửi trong trường hợp phá sản tổ chức tín dụng. Nguồn sử dụng để hỗ trợ chi trả sẽ không dùng ngân sách nhà nước, mà có thể sử dụng các nguồn lực nhà nước khác để xử lý vấn đề này.
Giải trình về đề xuất miễn trừ trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, ông Hưng lý giải do đa số cán bộ tham gia cơ cấu lại là nhân viên của các ngân hàng thương mại (không phải là công chức). Đã có tình trạng không ít cán bộ tìm cách từ chối khi được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lý các ngân hàng yếu kém.
Theo Mai Hà (Thanh Niên Online)