Thống đốc Lê Minh Hưng làm được gì sau 3 tháng ngồi “ghế nóng”?

28/07/2016 11:13:00

Mặc dù mới ngồi “ghế nóng” hơn 3 tháng nhưng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã ghi dấu ấn của mình trong điều hành chính sách tiền tệ. Bằng chứng là hôm nay, ngày 28.7, số phiếu đại biểu Quốc hội bầu cho ông Hưng tiếp tục làm Thống đốc là 464/488 phiếu đồng ý, tăng so với ngày 9.4 vừa qua là 403/486 phiếu đồng ý.

 
Mặc dù mới ngồi “ghế nóng” hơn 3 tháng nhưng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã ghi dấu ấn của mình trong điều hành chính sách tiền tệ. Bằng chứng là hôm nay, ngày 28.7, số phiếu đại biểu Quốc hội bầu cho ông Hưng tiếp tục làm Thống đốc là 464/488 phiếu đồng ý, tăng so với ngày 9.4 vừa qua là 403/486 phiếu đồng ý.

Thị trường từng hỏi “Thống đốc ở đâu?”

Thị trường lúc đó rất mong những thông điệp, quyết sách của ông Hưng về lãi suất, có tiếp tục cho vay ngoại tệ nữa hay không, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nhất là dự thảo Thông tư 36 sửa đổi với những quy định được cho là khắt khe như hệ số rủi ro cho vay bất động sản từ 150% lên 250%, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn từ 60% xuống còn 40%...

Khi đó, các ngân hàng, doanh nghiệp và cả giới chuyên gia đều sốt ruột. Ai cũng hỏi nhau “Thống đốc đang ở đâu, làm gì, sao không có hành động gì?”. Thị trường sốt ruột cũng đúng thôi, vì ngân hàng vốn không phải là lĩnh vực xa lạ gì với ông Hưng.

thong doc le minh hung lam duoc gi sau 3 thang ngoi “ghe nong”? hinh anh 1
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng

Dù vậy, ông Hưng vẫn im lặng. Nhưng im lặng không có nghĩa là không làm gì. Ông đã có hơn 1 tháng để chuẩn bị kỹ càng từ việc hoàn thiện nhân sự, từ việc lắng nghe tiếng nói của thị trường. Đến lúc chuẩn bị kỹ càng, Thống đốc Lê Minh Hưng đã hành động và chỉ trong ngày 27.5, ông ký ban hành 3 văn bản quan trọng, “phủ sóng” toàn bộ thị trường tiền tệ.

Nức lòng thị trường nhất là Thông tư 06 thay thế Thông tư 36. Hai vấn đề tốn nhiều giấy mực của báo giới cũng như nóng tại các diễn đàn, hội nghị hội thảo đã được giải toả. Theo đó, hệ số rủi ro cho vay bất động sản từ mức dự kiến 250% xuống còn 200%, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn dự kiến từ 40% lên 50%. Phản hồi về sự điều chỉnh này, chuyên gia, ngân hàng và doanh nghiệp đánh giá là một sự “linh hoạt, mềm dẻo” của tân Thống đốc trong điều kiện nền kinh tế, doanh nghiệp cần nguồn vốn để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế…

Thông tư 07 thay thế Thông tư 24 về quy định hoạt động cho vay bằng ngoại tệ được ban cùng ngày cũng được chuyên gia, doanh nghiệp đón nhận và đánh giá cao. Theo đó, một nhóm đối tượng là các doanh nghiệp xuất khẩu được trở lại vay vốn bằng ngoại tệ dến 31.12.2016, sau khi cơ chế đã khép lại từ ngày 1.4 vừa qua. Mặc dù cũng có nhiều ý kiến lo ngại về việc sẽ tác động đến tỷ giá. Tuy nhiên, biến động trong thời gian qua đã cho thấy sự ổn định của thị trường ngoại hối, tỷ giá bền vững.

Ngoài ra, Thống đốc cũng ban hành Chỉ thị 04 với thông điệp gửi tới ngân hàng, doanh nghiệp và người dân rằng NHNN sẽ rất thận trọng trong kiểm soát vốn, tín dụng với những lĩnh vực như BOT, bất động sản dễ tiềm ẩn hay xảy ra nợ xấu. Tuy nhiên, chỉ thị cũng khuyến khích các TCTD tăng hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa cả về vốn và lãi suất...

Ghi điểm tỷ giá

Sau động thái đầu tiên đó, Thống đốc Lê Minh Hưng lại tiếp tục phát đi thông điệp về lãi suất. Khẳng định lãi suất sẽ giảm không nhiều nhưng Thống đốc Hưng nhấn mạnh sẽ điều hành lãi suất ổn định để doanh nghiệp ổn định trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thông điệp này tiếp tục được NHNN phát đi vào cuối tuần qua với việc yêu cầu các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động, đẩy mạnh xử lý nợ xấu để giảm lãi suất cho vay, nhất là với lĩnh vực ưu tiên.

Cơ sở để NHNN tin tưởng lãi suất cho vay sẽ giảm là vì cơ quan này hiện mới chỉ trung hòa (hút tiền) một phần, khoảng hơn 20.000 tỷ đồng trong tổng số hơn 170.000 tỷ đồng được dùng để mua ngoại tệ từ đầu năm khiến lãi suất huy động trên thị trường 1 được các ngân hàng duy trì ổn định quanh mức 5%/năm đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới sáu tháng. Trong khi đó, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất kỳ hạn qua đêm (overnight) hiện chỉ duy trì quanh mức 0,7-0,9%/năm. Đây được xem là mức thấp nhất kể từ đầu năm 2016 đến nay.

Dù vậy, giới chuyên gia vẫn cho rằng việc giảm lãi suất cho vay sẽ gặp khó khăn do lãi suất của Việt Nam rất nhạy cảm với lạm phát. Nếu lạm phát có xu hướng tăng thì lãi suất sẽ không thể thấp được và NHNN không thể điều hành theo hướng hành chính để ép giảm lãi suất, nếu làm điều này ngân hàng sẽ không thể huy động được vốn.

Dù chưa thật sự ghi điểm ở lãi suất, nhưng Thống đốc Lê Minh Hưng được đánh giá rất cao trên thị trường ngoại hối. Tỷ giá vừa trải qua cú sốc Brexit với những diễn biến khá nhẹ nhàng. Trong khi các đồng tiền khác trên thế giới biến động rất mạnh. Đây là thành công của Thống đốc.

Có được thành công này, là do từ đầu năm tới giờ, ước tính NHNN đã mua vào khoảng 7 tỷ USD để nâng dự trữ ngoại hối lên. Điều này góp phần vào thành công trong điều hành tỷ giá.

Một thành công nữa, đó là giá vàng thời gian qua những tưởng sẽ biến động mạnh sau sự kiện Brexit, nhưng thực tế chỉ có vài ngày biến động mạnh, sau đó lại trở về trạng thái ảm đạm trong giao dịch.

Tuy vậy, thị trường vẫn còn lấn cấn với việc làm thế nào để huy động được 500 tấn vàng trong dân. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu NHNN làm rõ vấn đề này và hiện thị trường vẫn đang chờ thông tin từ cơ quan này. Liệu có hay không việc huy động vàng trong dân và huy động như thế nào cho hiệu quả. Đây là bài toán khó với Thống đốc Lê Minh Hưng.

Ngoài ra, câu chuyện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, hiện vẫn đang còn bỏ ngỏ dưới thời ông Lê Minh Hưng. Ngoài thông điệp mời nhà đầu tư nước ngoài tham gia xử lý nợ xấu và tái cơ cấu những ngân hàng yếu kém, ông Hưng chưa có thông điệp nào cho vấn đề này. Hiện NHNN đang trong quá trình xây dựng đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và trình Thủ tướng vào tháng 9 tới. Thị trường vẫn đang chờ đợi xem ông Hưng sẽ tiếp tục tái cơ cấu hệ thống ngân hàng như thế nào?

Mới hơn 3 tháng trên cương vị Thống đốc, những quyết sách của ông Hưng cho thấy NHNN đã lắng nghe tiếng nói của thị trường, doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự khen chê bây giờ vẫn là quá sớm bởi chính sách tiền tệ thường có độ trễ và tính hai mặt (Hành chính và thị trường). Dẫu vậy, kết quả bỏ phiếu ngày hôm nay cho thấy sự ghi nhận những nỗ lực của Thống đốc Lê Minh Hưng.

Theo Trần Giang (Dân Việt)

Nổi bật