Thống đốc: Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục gần 52 tỷ USD

29/12/2017 11:14:14

Năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm 13 tỷ USD, theo Thống đốc Lê Minh Hưng.

Thông tin tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ tháng 12/2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, tới thời điểm này tổng dự trữ ngoại hối Nhà nước đã xấp xỉ 52 tỷ USD.

Số liệu này cao hơn con số 51,5 tỷ USD được Ngân hàng Nhà nước công bố tại phiên họp đánh giá điều hành giá năm 2017 cách đây hai ngày và tăng khoảng 4 tỷ USD so với dữ liệu cập nhật cách đây khoảng 10 ngày. 

Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho biết, năm 2017 cơ quan này đã mua khoảng 13 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước. 

Thống đốc: Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục gần 52 tỷ USD
Dự trữ ngoại hối đạt gần 52 tỷ USD, mức kỷ lục năm 2017. Ảnh: Reuters.

Theo Thống đốc, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 0,5 - 1% một năm trong năm 2017, trong đó lãi vay ngắn hạn tại nhiều tổ chức tín dụng quanh mức 4-5% một năm với khách hàng tốt; lãi suất cho vay trung dài hạn với lĩnh vực ưu tiên 8% một năm... đã giúp giảm chi phí kinh doanh cho nền kinh tế. 

Trước băn khoăn tín dụng chảy vào một số lĩnh vực nhạy cảm như chứng khoán, bất động sản, ông Lê Minh Hưng trấn an, tỷ trọng này đã được kiểm soát chặt chẽ. Thay vào đó, tín dụng được rót mạnh vào một số lĩnh vực kinh doanh trọng điểm, công nghệ chế biến chế tạo tăng hơn 30%, nông nghiệp tăng trên 21%, ứng dụng công nghệ cao hơn 28%...

Về xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, tổng kim ngạch năm 2017 đạt 425 tỷ USD, riêng xuất khẩu là 213,77 tỷ USD tăng 21,1% và gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Đã có 29 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, tăng 3 thị trường so với năm 2016, trong đó xuất khẩu doanh nghiệp trong nước tăng 16,5% so với mức 4% năm ngoái. 

Trong bối cảnh bảo hộ mậu dịch có xu hướng lan nhanh Việt Nam kết quả này theo ông Tuấn Anh, đã tạo niềm tin, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn và hỗ trợ tăng trưởng đạt 6,81% năm nay. 

Nhận định năm 2018 là năm "đặc biệt quan trọng" để đạt được mục tiêu tăng GDP 6,7% và lạm phát dưới 4%, các Bộ trưởng cho rằng, cần sự chuyển động, triển khai đồng bộ các giải pháp từ Trung ương, địa phương chứ "không đơn thuần ở các Bộ, ngành".

"Chúng ta cần đẩy nhanh hơn tái cơ cấu trong một số ngành kinh tế quan trọng, phát triển thị trường nội địa, đấu tranh với hàng giả, hàng kém phẩm chất - hiện tượng đối phó phổ biến trong sản xuất, thị trường", Bộ trưởng Tuấn Anh đề xuất.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý các Bộ, ngành trong việc cơ cấu lại các ngành, sản phẩm phải tránh tình trạng "theo phong trào". Đề cập cụ thể tới ngành công nghiệp hỗ trợ, ông đề nghị, Bộ Công Thương lựa chọn doanh nghiệp có năng lực tại địa phương, phối hợp với doanh nghiệp đầu đàn, sản xuất, cung ứng sản phẩm hỗ trợ cho ngành này. 

Theo Anh Minh (VnExpress.net)

Nổi bật