Giải thích lý do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình không phải “đăng đàn” trả lời chất vấn kỳ này, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết là do không có câu hỏi chất vấn nào từ đại biểu Quốc hội gửi đến cho vị “tư lệnh ngành” này.
“Khi mời bộ trưởng nào đăng đàn trả lời chất vấn thì phải có câu hỏi của đại biểu Quốc hội. Thống đốc không nhận được câu hỏi chất vấn nào từ đại biểu Quốc hội”, ông Phúc cho biết.
Không có câu hỏi nào của đại biểu Quốc hội dành cho Thống đốc Bình, điều đó có đồng nghĩa với việc ngành ngân hàng đã ổn?
Ông Phúc cũng thừa nhận việc không có câu hỏi nào không có nghĩa là đại biểu Quốc hội không quan tâm tới lĩnh vực ngân hàng. “Có thể đại biểu Quốc hội đã có báo cáo tình hình kinh tế xã hội và họ thấy đã đủ nên không hỏi thêm lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Đây là quyền của đại biểu Quốc hội”, ông Phúc nêu quan điểm.
Thống đốc ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình
Không thể tăng lãi suất lúc này
Mối quan tâm lớn nhất hiện nay của nhiều đại biểu đó là lãi suất, nhất là trong giữa tháng 5 vừa qua, nhiều ngân hàng đã rục rịch điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Động thái này cho thấy dấu hiệu tăng lãi suất cho vay trong những tháng tới.
Theo kết quả khảo sát lãi suất tháng 5 của CTCK TPHCM (HSC), lãi suất huy động tiền đồng bình quân là 5,69% vào cuối tháng 5; tương đương giảm 0,01% từ mức 5,7% của tháng trước đó. Trong khi đó lãi suất cho vay bình quân tăng 0,14% lên 9,67% trong cùng kỳ. Lãi suất huy động hiện đang ở mức thấp nhất trong chu kỳ hiện tại. Trái lại lãi suất cho vay có vẻ đã bật lên khỏi mức đáy ở tháng trước.
Tại sao thanh khoản hệ thống ngân hàng đang rất dồi dào mà lãi suất lại có xu hướng tăng trở lại? Vấn đề ở đây là gì?
Đại biểu Nguyễn Cao Sơn, đoàn Hòa Bình, đánh giá mặc dù thời gian gần đây mặt bằng chung của lãi suất đã giảm xuống mức thấp nhưng trên thực tế nhiều khoản vay từ những đợt tăng nóng lãi suất cao trước đây đã làm cho doanh nghiệp có phục hồi nhưng rất chậm. Theo số liệu của Bộ Tài chính, số doanh nghiệp phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ dưới 50%.
Đây chính là câu trả lời cho câu hỏi “Vì sao lãi suất ngân hàng liên tục giảm, tăng trưởng tín dụng đến 20/5 là 4,26%, nhưng lại không đạt hiệu quả trong việc tăng tín dụng cho sản xuất kinh doanh?”
Đại biểu Sơn đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn thêm từ 2% - 2,5% nhằm hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TP.HCM, cũng cho rằng không nên tăng lãi suất lúc này.
“Bây giờ nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp đang còn khó khăn. Lãi suất là giá cả của người vay vốn. Tình hình doanh nghiệp vẫn còn quá khó khăn như vậy nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp vẫn còn có giới hạn. Như vậy cầu có tăng đâu mà đòi lãi suất tăng”, đại biểu Ngân bình luận.
Theo đại biểu Ngân, không chỉ giảm lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước cần phải tính để đề xuất với Chính phủ thiết kế một gói tín dụng hỗ trợ cho DNNVV để cho vay trung và dài hạn từ 5 - 10 năm với lãi suất thấp và ổn định. Nguồn vốn này để hỗ trợ DNNVV đầu tư máy móc thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập kinh tế thế giới sau khi chúng ta đã ký một loạt hiệp định thương mại.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cũng thừa nhận nếu so với khu vực thì lãi suất của chúng ta là cao, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất có nhiều yếu tố. Trước hết là sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Nếu kinh tế vĩ mô ổn định thì xu hướng lãi suất sẽ giảm xuống.
Có “cầm cương” được tỷ giá?
Một vấn đề nữa mà không ít đại biểu băn khoăn, đó là tỷ giá và khả năng “cầm cương” tỷ giá trong năm nay khi quota điều chỉnh đã được Ngân hàng Nhà nước dùng hết?
Nhiều đại biểu chia sẻ với khó khăn trong việc ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong thời điểm hiện nay khi đồng USD trên thế giới mạnh lên, nhập siêu tăng trở lại… và tất cả những yếu tố này đang tác động tới sự ổn định của tỷ giá. Cũng chính vì những yếu tố đó mà nhiều đại biểu lo ngại dự trữ ngoại hối hiện nay không đủ để vừa bình ổn thị trường, vừa cho Chính phủ vay ngoại tệ.
Một nỗi lo nữa, đó là việc xử lý sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Đây chính là nguyên nhân gây khủng hoảng cho ngân hàng. Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, hiện vẫn còn 5 trong số 33 ngân hàng thương mại vi phạm rõ ràng quy định về tỷ lệ sở hữu trong khi 8 ngân hàng có tỷ lệ sở hữu của cổ đông và bên liên quan cao hơn 20%.
Ví như PVN nắm 52% cổ phần Pvcombank và MSN nắm 19,5% Techcombank. Về các cá nhân, ông Trầm Bê và gia đình sở hữu 20,8% cổ phần của SouthernBank, bà Thái Hương, Phó Chủ tịch kiêm tổng giám đốc của Bắc Á Bank nắm 7% cổ phần ngân hàng này.
Về vấn đề này, đại biểu Lê Thị Yến, đoàn Phú Thọ, đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần tích cực triển khai các giải pháp kiểm soát và xử lý vấn đề sở hữu chéo, cổ đông sở hữu vượt giới hạn quy định, vi phạm pháp luật về sở hữu vốn của tổ chức tín dụng, đẩy mạnh thoái vốn đầu tư của các tổ chức tín dụng (TCTD) vào các lĩnh vực rủi ro kém hiệu quả.
Ngoài ra, đại biểu Yến cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới cần tiếp tục xử lý dứt điểm các TCTD yếu kém; cần tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD sáp nhập, hợp nhất, mua lại theo nguyên tắc tự nguyện để vừa xử lý các TCTD yếu kém, vừa hình thành nên các TCTD có quy mô và năng lực cạnh tranh lớn hơn.
Riêng về vấn đề nợ xấu, nhiều đại biểu cho rằng về bản chất, nợ xấu chưa giảm, tỉ lệ còn cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro; việc xử lý nợ xấu còn khó khăn, nhất là về thủ tục phát mại tài sản; khả năng xử lý nợ của Công ty quản lý tài sản (VAMC) còn hạn chế.
Thậm chí, có ý kiến băn khoăn về khả năng nợ xấu vẫn có thể phát sinh sau khi VAMC phát hành trái phiếu để xử lý tài sản thế chấp của doanh nghiệp. Một số ý kiến đề nghị việc đánh giá nợ xấu cần phải thực chất, chính xác và nghiêm túc hơn.
Theo Trần Giang (Bizlive.vn)