Bộ Công Thương tổ chức bán dưa hấu tại trụ sở để góp phần giải tỏa tình trạng ùn ứ dưa tại cửa khẩu thấy mừng ít, mà thương, tiếc, lo... nhiều hơn.
Thương nông dân...
Thương bởi nông dân làm lụng quần quật dãi nắng mưa mong có mùa dưa bội thu để phần nào bù đắp công sức, tiền của đầu tư vào ruộng đồng. Nhưng, khi dưa đỏ lòng thì đường ra chợ lại tắc, vì ùn ứ hàng trăm xe chở dưa hấu từ miền Trung ra tận biên giới khu vực tỉnh Lạng Sơn tiếp giáp với Trung Quốc để tìm cơ hội tiêu thụ dưa sang thị trường bên kia biên giới. Thương hơn khi đây không phải là lần đầu tiên có chuyện ùn tắc dưa hấu tại cửa khẩu này.
Cảnh mua - bán dưa hấu tại trụ sở Bộ Công Thương (Ảnh: Văn phòng Bộ Công Thương cung cấp) |
Tất nhiên, tắc đầu ra thì giá dưa lại rẻ, mồ hôi nông dân lại đổ nhiều hơn, nhưng lợi nhuận thu lại thì ít đi, có khi còn lỗ. Nông sản rớt giá, thậm chí nếu lại rơi vào cảnh đổ dưa dọc đường cho bò ăn như đã từng xảy ra, hẳn hệ lụy là nhiều ước mơ, nhiều dự định của nông dân và con cái nông dân về cái ăn, cái ở, cái học hành.... lại dang dở.
Tiếc... cái chợ
Văn phòng Bộ Công Thương cho hay: Chương trình phát động đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong khối cơ quan Bộ nhằm bày tỏ, chia sẻ sự cảm thông với những người nông dân Miền Trung, qua đó thể hiện được tinh thần cộng đồng sâu sắc.
Văn phòng Bộ này còn dẫn lời bà Nguyễn Thị Hoa, Vụ trưởng, Chủ tịch Công đoàn Cơ quan Bộ Công Thương cho rằng, qua hoạt động này Bộ Công Thương mong muốn tạo ra sức mạnh tập thể thông qua mỗi hành động thiết thực của từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan Bộ. Đây cũng là một hành động nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong đó mỗi trái dưa là một tấm lòng, cùng chung tay vì một cuộc sống giàu ý nghĩa.
Nếu mục đích, ý nghĩa như thế, xét trong khoảnh khắc có tính cộng đồng này, hẳn là cử chỉ đẹp, ý tưởng nhân văn. Nhưng, nếu nhìn rộng hơn, vĩ mô hơn, thì thấy tiếc thay một cách làm. Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, những ngày qua, Cục đã liên hệ với Sở Công Thương một số tỉnh nhằm giải tỏa ùn tắc ở cửa khẩu thông qua việc tìm đầu mối tiêu thụ dưa ở thị trường Hà Nội. Do vậy, trước mắt đơn vị đã tổ chức phát động cán bộ công chức khối cơ quan Bộ mua ủng hộ 14 tấn dưa hấu.
Nghe mà thấy tiếc. Tiếc vì lẽ, hóa ra, cảnh ùn tắc dưa ở cửa khẩu không hề mới. Trong hoàn cảnh ấy, cái thị trường mà Cục nhằm tới đầu tiên để giải tỏa ách tắc lại quay về Hà Nội. Tiếc, thậm chí buồn hơn khi Bộ chủ quản về thương mại, lo việc mua – bán, thị trường đầu ra cho tiêu thụ sản phẩm, trong đó có dưa hấu, lẽ ra phải lo việc vĩ mô, mua – bán ra tấm ra món tầm của cả ngành. Đằng này, bao nhiêu chất xám, sức lực của những nhà làm chiến lược, làm thương mại quốc gia và quốc tế lại đi... bản lẻ mấy quả dưa hấu, thậm chí bày chợ ngay tại trụ sở Bộ!
Hẳn là những ai nghĩ rộng, nghĩ dài, muốn nông sản Việt được tiêu thụ thông đồng bén giọt không chỉ ở thị trường nội địa mà còn vươn ra nhiều thị trường lớn khác trên thế giới, hẳn sẽ tiếc lắm một cách đặt chợ dưa hấu của Bộ Công Thương, chí ít là trong hoàn cảnh này. Vì rằng, lẽ ra, đó phải là hàng triệu cái chợ khắp đất nước, hàng trăm thị trường khác trên thế giới, chứ không phải ở sân trụ sở Bộ.
... và lo
Giờ thì mối lo bao năm nay của các ngành chức năng, và trực tiếp là của nông dân, về đầu ra nông sản lại được chính Bộ lo đầu ra này giáng thêm một mối lo đường dài vạn dặm cho nông sản. Vì rằng, Bộ Công Thương cho hay, thông qua chương trình này, Bộ Công Thương thể hiện quyết tâm hỗ trợ đồng bào vùng trồng dưa Miền Trung cũng như giúp doanh nghiệp vận tải, xuất khẩu đang gặp vấn đề ách tắc dưa tại cửa khẩu.
Quan trọng hơn, “hành động thiện nguyện ý nghĩa này đã thể hiện trách nhiệm của mỗi đoàn viên công đoàn của Bộ Công Thương góp phần giải quyết vấn đề này. Chương trình cũng là lời nhắc nhở tới các đơn vị, địa phương liên quan cần sớm có giải pháp nhanh chóng, đồng bộ, cần thiết phải nâng cấp cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu nhằm tránh lặp lại tình trạng nông sản hàng hóa bị ách tắc tại vùng biên”- văn bản của Văn phòng Bộ Công Thương gửi báo giới.