Theo Forbes, khối tài sản quy ra từ cổ phiếu của ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Masan (MSN) tăng thêm 530 triệu USD kể từ đầu tháng 10 nhờ giá cổ phiếu tăng vọt.
Theo Forbes, tính tới 5/11, tổng giá trị tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang là 1,4 tỷ USD.
Sự bứt phá về khối tài sản của ông trùm trong lĩnh vực hàng thực phẩm, khoáng sản và bán lẻ tại Việt Nam là nhờ cổ phiếu Masan tăng giá mạnh.
Tính từ đầu tháng 10 tới nay, cổ phiếu Masan đã tăng 60%, từ mức khoảng 55.000 đồng/cp lên mức 87.900 đồng/cp như hiện tại. Điều này đồng nghĩa với việc, khối tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang đã tăng thêm gần 530 triệu USD trong vòng 1 tháng.
Nhiều tỷ phú Việt khác cũng chứng kiến khối tài sản tăng mạnh. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng chứng kiến túi tiền tăng thêm 1,2 tỷ USD trong gần 3 tháng qua lên mức 6,6 tỷ USD theo thống kê của Forbes nhờ cổ phiếu Vingroup (VIC) tăng từ mức 85.000 đồng/cp lên 104.000 đồng như hiện tại.
Tỷ phú Trần Đình Long, chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG) chứng kiến tài sản tăng thêm 470 triệu USD trong vòng 6 tháng qua nhờ cổ phiếu HPG tăng thêm khoảng 50% trong cùng khoảng thời gian.
Sở dĩ túi tiền của các tỷ phú Việt tăng nhanh là bởi doanh nghiệp của các doanh nhân này ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh trong quý III cũng như 3 quý đầu năm.
Báo cáo của Masan cho thấy, lợi nhuận của tập đoàn này hồi phục chữ V sau thương vụ sáp nhập VinCommerce (VCM). Bên cạnh đó, Masan cũng được hưởng lợi từ lợi thế thương mại âm phát sinh từ việc "mua hời" H.C Starck Holding hồi đầu tháng 6 năm nay.
Theo MSN, doanh thu thuần 9 tháng đầu năm 2020 trên cơ sở hợp nhất tăng 110,8% đạt 55.618 tỷ đồng so với 26.378 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2019, chủ yếu do hợp nhất các mảng kinh doanh mới sáp nhập và được thúc đẩy bởi tăng trưởng nội tại của tất cả các mảng kinh doanh.
Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của công ty là 852 tỷ đồng trong quý III và 969 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020, thấp hơn so với các kỳ tương ứng trước đó do ảnh hưởng từ hợp nhất VCM.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Masan Group, Dr. Nguyễn Đăng Quang cho biết, chiến lược tích hợp mảng tiêu dùng bán lẻ đang bắt đầu gặt hái những trái ngọt đầu tiên khi VinCommerce sẽ đạt mục tiêu hòa vốn vào quý IV.
Cũng theo ông Quang, chỉ những thay đổi bứt phá mới có thể mang đến giá trị vượt trội cho người tiêu dùng và đây cột mốc đầu tiên trong hành trình trở thành tập đoàn tiêu dùng bán lẻ tích hợp online - offline hàng đầu.
Vingroup ghi nhận lợi nhuận trước thuế trong quý III tăng 42% so với cùng kỳ lên trên 3,6 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế trong kỳ của tập đoàn đạt 1.436 tỷ đồng, tăng 102% so với cùng kỳ năm trước.
Tập đoàn Hòa Phát (HPG) ghi nhận doanh thu quý III tăng gần 64% so với cùng kỳ và lần đầu tiên trong 1 quý vượt ngưỡng 1 tỷ USD. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng gần gấp đôi lên gần 4,3 nghìn tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 6/11, chỉ số VN-Index biến động nhẹ.
Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo thận trọng.
Theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục thử thách vùng kháng cự 940-950 điểm trong một vài phiên kế tiếp. Đây vẫn là vùng cản có thể tạo ra áp lực rung lắc mạnh cho thị trường. Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vẫn có thể tạo ra biến động khó lường đối với thị trường tài chính thế giới nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng. Mặt khác, nhà đầu tư sẽ bắt đầu hướng sự chú ý đến các thông tin về kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2020 của các doanh nghiệp niêm yết.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/11, VN-Index giảm 2,01 điểm xuống 937,75 điểm; HNX-Index giảm 1,72 điểm xuống 138,3 điểm. Upcom-Index giảm 0,18 điểm xuống 63,31 điểm. Thanh khoản đạt 7,0 nghìn tỷ đồng.
Theo V. Hà (VietNamNet)