Thời trang 'mỳ ăn liền' Nhật đổ bộ: Dân Việt đốt ngàn tỷ xài hàng bình dân

13/09/2018 09:30:08

Sau Zara và H&M, đến lượt Uniqlo - hãng thời trang nổi tiếng đến từ Nhật Bản - sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào cuối năm sau, trong bối cảnh người Việt càng ngày càng mạnh tay chi tiền mua sắm quần áo.

Nhà bán lẻ quần áo bình dân Nhật Bản Uniqlo thông báo sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào mùa thu 2019. Tin từ trang Nikkei (Nhật Bản) cho biết, cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam sẽ đặt ở TP.HCM, dựa trên liên doanh giữa Fast Retailing (sở hữu thương hiệu Uniqlo) và Mitsubishi Corporation (sở hữu 25% trong liên doanh).

Việc mở cửa hàng ở Việt Nam nằm trong kế hoạch tăng số lượng cửa hàng từ 180 trong khu vực Đông Nam Á lên con số 400 vào năm 2022. Hệ thống của Uniqlo trên thế giới có khoảng 2.000 cửa hàng ở 20 thị trường.

Thời trang 'mỳ ăn liền' Nhật đổ bộ: Dân Việt đốt ngàn tỷ xài hàng bình dân
Thương hiệu tiêu biểu trong lĩnh vực thời trang của Nhật Bản đang tìm cách đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường quốc tế

Tại Việt Nam, quần áo của Uniqlo từ trước đến nay được săn lùng nhiều, đặc biệt là chị em phụ nữ, với các loại áo khoác ngoài, được cho là có khả năng chống tia UV cao, nhẹ và mát. Uniqlo cũng có nhiều loại quần áo khác được ưa chuộng là áo giữ nhiệt, áo nhanh khô.

Các loại quần áo thể thao của Uniqlo cũng được dân chơi thể thao ưa chuộng. Tháng 7 mới đây, Uniqlo cũng mạnh tay chi 300 triệu USD cho hợp đồng 10 năm với huyền thoại làng quần vợt Roger Federer, ngay sau khi tay vợt người Thụy Sỹ này hết hạn hợp đồng 20 năm với Nike với giá trị 150 triệu USD.

Dù vậy, các tín đồ thời trang cho rằng các mẫu quần áo của Uniqlo không đi theo xu hướng thời trang như Zara hay H&M, được mệnh danh là “thời trang mì ăn liền” có thiết kế được cập nhật theo xu hướng mới nhất với mức giá bình dân. Người mặc cứ mua và thay liên tục theo xu hướng.

Thời trang 'mỳ ăn liền' Nhật đổ bộ: Dân Việt đốt ngàn tỷ xài hàng bình dân - 1
Tay vợt huyền thoại người Thụy Sỹ “kiếm thêm” 300 triệu USD từ Uniqlo sau bản hợp đồng 20 năm với Nike.

Zara hay H&M liên tục tung ra các mẫu quần áo hợp mốt để thu hút khách hàng, thì Uniqlo tập trung nhiều vào chức năng, thiết kế đơn giản. Những tín đồ của Uniqlo thường có chung nhận xét là chất liệu vải tốt, bền, thoáng má

Sự xuất hiện của Uniqlo giúp thị trường thời trang ở Việt Nam thêm sôi động, sau khi Zara (Tây Ban Nha) vào Việt Nam từ tháng 9/2016, còn H&M (Thụy Điển) ra mắt vào tháng 9/2017.

Hiện tại, Zara có hai cửa hàng ở TP.HCM và Hà Nội, trong khi H&M có 4 cửa hàng, dự định mở thêm 2. Cả hai thương hiệu đều sở hữu cửa hàng bên trong các trung tâm thương mại. Trong khi đó, Uniqlo chưa rõ sẽ tiếp tục đi theo hướng này hay sẽ đặt cửa hàng nằm riêng bên ngoài.

Tuy nhiên, một điểm thuận lợi của Uniqlo trong cuộc chiến về mặt bằng bán lẻ, đó là có đối tác Nhật Bản là tập đoàn Mitsubishi, hiện đầu tư rất nhiều tiền vào các dự án hạ tầng, bất động sản ở TP.HCM và Hà Nội.

Thời trang 'mỳ ăn liền' Nhật đổ bộ: Dân Việt đốt ngàn tỷ xài hàng bình dân - 2
Thị trường quốc tế ngày càng đóng góp nhiều hơn vào cơ cấu doanh thu của Uniqlo.

Chỉ mới xuất hiện nhưng các hãng thời trang trên đã kiếm được cả nghìn tỷ đồng từ thị trường Việt. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Zara kiếm được hơn 950 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với con số cùng kỳ là hơn 400 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu của H&M được kì vọng hơn 320 tỷ đồng trong 6 tháng đầu tiên kể từ khi bước chân vào thị trường.

Doanh số các hãng thời trang tăng mạnh cũng là điều dễ hiểu khi người Việt ngày càng mạnh tay chi mua sắm hàng thời trang. Theo BMI Research, quy mô thị trường ước tính đạt mốc 3,8 tỷ USD vào năm 2018 và có thể lên đến 5 tỷ USD vào năm 2021. Vì vậy, dự kiến sẽ còn nhiều thương hiệu thời trang tiếp tục tìm về.

Theo Dũng Nguyễn (VietNamNet)