Hàng nghìn người đi một lúc
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Công ty FlamingoRedtours, cho hay, giai đoạn hè, lượng khách du lịch trong nước đã tăng gấp 3-4 lần so với hai năm vừa qua. Đặc biệt, hè năm nay ghi nhận sự bùng nổ của các đoàn khách MICE (du lịch hội nghị, hội thảo), với số lượng lớn từ vài trăm tới vài nghìn người.
Chỉ riêng tháng 5, công ty đã cung ứng dịch vụ cho hơn 30.000 khách MICE. Con số này tiếp tục tăng mạnh trong tháng 6-7. Chẳng hạn, tháng 7, FlamingoRedtours phục vụ những đoàn khách lớn, có đoàn lên tới 2.500 người. Các điểm đến được khách MICE hay lựa chọn là Sầm Sơn (Thanh Hóa), Hạ Long (Quảng Ninh), Phú Quốc, Đà Nẵng,…
Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, hè năm nay dự kiến sẽ phục vụ hơn 280.000 lượt khách. Con số này có thể cao hơn do nhu cầu của thị trường về du lịch trong và ngoài nước vẫn đang tăng mạnh.
Theo ông Trần Quốc Bảo - Phó Tổng Giám đốc Công ty, do là mùa cao điểm nhất trong năm nên Saigontourist tập trung mọi nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực để phục vụ khách. DN xây dựng hơn 160 sản phẩm du lịch trọn gói. Riêng chùm tour trong nước thường kéo dài 3 đến 8 ngày, phổ biến nhất là tour du lịch biển, du lịch vùng cao Đông Tây Bắc, du lịch xanh về nguồn.
Mùa du lịch hè bước vào giai đoạn "nóng" hơn từ đầu tháng 6. Hiện các dòng tour biển đảo, cao nguyên... tránh nóng vẫn đang là nhóm tour bán tốt nhất, các tuyến Phú Quốc, Côn Đảo... du khách phải đặt tour từ sớm để giữ được chỗ và giá hợp lý.
Bà Trần Bảo Thu, Giám đốc Marketing và truyền thông của Fiditour-Vietluxtour, nhận xét, so với cùng kỳ trước dịch thì lượng khách và doanh thu của các công ty lữ hành còn cách biệt khá nhiều, song so với cùng kỳ năm ngoái thì tình hình kinh doanh đang phục hồi khá tốt. Đến hết quý 2/2022, công ty đã đạt khoảng 60-70% kế hoạch kinh doanh hè. Nếu tình hình khả quan, DN sẽ tăng thêm 20% nữa so với dự kiến.
Giá vé bay căng thẳng
Từ đầu tháng 6, giá vé máy bay đã tăng cao, thậm chí các chuyến đến các điểm đắt đỏ còn hết vé. Công ty D. ở Hoàng Mai (Hà Nội) có đoàn khách 40 người đi Huế tuần cuối tháng 6, do đặt sát ngày lại đúng dịp diễn ra sự kiện Festival Huế 2022 nên giá vé đắt đỏ, lên tới khoảng 3,5-4 triệu đồng/người nếu muốn bay giờ đẹp, thậm chí còn phải mua giá vé thương gia. Giá vé này đắt hơn gấp đôi so với ngày thường.
Trong khi đó, tại các điểm đến đông khách như Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, Đà Lạt, Quy Nhơn,… tình hình còn căng thẳng hơn.
Chẳng hạn, tuy đã bước vào mùa mưa, giá vé máy bay từ Hà Nội và TP.HCM đi Phú Quốc từ nay đến giữa tháng 7 ghi nhận ở mức 5-8 triệu đồng/khứ hồi (đã bao gồm thuế phí), cao gấp gần 4 lần giai đoạn thấp điểm. Ghi nhận trên hệ thống, nhiều chuyến bay của các hãng nội địa đều kín chỗ từ nay đến giữa tháng 7.
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Phạm Vũ Bảo, Giám đốc ViBooking - công ty chuyên đặt vé máy bay, cho hay, khoảng 2 tuần nữa, tức từ nửa cuối tháng 7, giá vé bay mới hạ nhiệt. Lượng khách đi du lịch tập trung chủ yếu vào tháng 6, 7 và đi đoàn đông nên khoảng 2-3 tuần tới sẽ phải chốt xong dịch vụ. Khi đó, nhu cầu không cao nữa nên giá vé sẽ giảm dần, ông Bảo lý giải.
Ông cũng nhận xét, hè năm nay, đặt vé từ sớm chưa chắc đã rẻ hơn so với đặt gần trước ngày đi khoảng 2-3 tuần. Đó là bởi các công ty du lịch mua trước vé series làm khách đoàn, không bán hết thì phải trả lại cho hãng, nếu số lượng trả nhiều thì hãng sẽ giảm giá bán ra.
Số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, lượng khách bay nội địa 6 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Có 40,7 triệu khách đã qua các cảng, tăng 56,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,8 triệu khách, tăng 904,6%. Khách nội địa đạt 38,9 triệu khách, tăng 52,6%. Dự kiến năm nay, các sân bay đón khoảng 87,8 triệu khách, tăng 190% so với năm 2021.
Dịch vụ đắt và thiếu
Ngoài ra, đại diện một đơn vị lữ hành thừa nhận, kể từ khi dịch xảy ra, chưa khi nào du lịch nội địa lại bùng nổ như năm nay. Trong khi các dịch vụ, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được và đủ cho nhu cầu của khách, nhiều nhân sự du lịch đã phải chuyển nghề; việc du lịch phục hồi nhanh và bùng nổ khiến dịch vụ không thể đáp ứng nổi. Xe tour, phòng khách sạn và hướng dẫn viên thiếu trầm trọng.
Ông Lê Trung Tín, CEO của Công ty du lịch Tín Việt, cho biết việc thuê xe hiện rất khó. Xe tour không chỉ khan hiếm mà giá còn đắt đỏ theo giá xăng.
Chẳng hạn, công ty ông cần thuê xe từ TP.HCM đi Vũng Tàu, giá ban đầu báo chỉ 5-7 triệu sau tăng lên 9-10 triệu, xe đi Đà Lạt từ 12 lên 17 triệu, xe đi Nha Trang cũng tương tự,… Việc tăng giá diễn ra với tất cả các xe, từ 16 đến 45 chỗ, xe càng to giá tăng càng nhiều. Hơn nữa, khi giá xăng chỉ tang khoảng 1.000 đồng/lít, phía cho thuê liền tăng thêm 2-3 triệu khi đã ký hợp đồng khiến các công ty lữ hành bị động, trong khi không thể thu thêm tiền của khách, nên buộc phải cắt giảm lợi nhuận để bù vào.
Chưa kể, tại một số điểm đến như Phú Quốc, giá vé tham quan điểm vui chơi rục rịch tăng, hay có cơ sở ăn uống đã thông báo tăng giá từ 200.000 lên 300.000 đồng mỗi khách.
Không chỉ vậy, các nhà hàng cũng quá tải khi không phục vụ kịp lượng khách lớn đi du lịch. Ông Tín kể rằng, có nhà hàng ở Đà Lạt dù là đối tác quen của DN cũng từ chối nhận khách vì quá tải.
Tình trạng hết phòng khách sạn, thiếu hụt hướng dẫn viên diễn ra căng thẳng, đến mức mà vị CEO này phải kêu lên cứ hở ra xe tour nào, hướng dẫn viên nào có chứng chỉ, với 3-5 năm kinh nghiệm, là bị “hốt” ngay. “Tình trạng này căng nhất kể từ hai tuần cuối tháng 6 và tuần đầu tháng 7; phải từ khoảng 15/7 trở đi mới giảm nhiệt”, ông Tín dự báo.
Theo một khảo sát của Outbox Consulting, phát hành đầu tháng 6, hè 2022, du khách Việt thường lựa chọn du lịch biển như Nha Trang, Phú Quốc, lưu trú từ 2-4 đêm. Mức ngân sách bỏ ra để đi du lịch trong nước là 5-20 triệu đồng, trong khi đi nước ngoài cao gấp nhiều lần, tức khoảng từ 40 triệu đồng trở lên.
Theo Ngọc Hà (VietNamNet)