Thoái vốn 'ông lớn' nhà nước, áp lực lớn rơi vào 2020

30/09/2019 09:41:09

Áp lực hoàn thành kế hoạch sẽ rơi vào 2020, và một vài thương vụ lớn có thể diễn ra. Trong đó, một số tên tuổi đáng chú ý là Mobifone, Vinacafe, VNPT, VEA, PLX…

Thoái vốn 'ông lớn' nhà nước, áp lực lớn rơi vào 2020
Ảnh minh họa.

Thống kê đến quý II/2019, chỉ tiêu thoái vốn nhà nước mới chỉ đạt 20% kế hoạch số lượng doanh nghiệp phải thoái vốn. Mặc dù vậy, nhờ thương vụ Sabeco, tổng số tiền thu được đạt khoảng 220.000 tỷ đồng. Số tiền này đáp ứng khoảng 88% tổng số tiền thu từ thoái vốn phục vụ chi đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), có thể thấy động lực đẩy mạnh thoái vốn trong nửa cuối năm 2019 là không lớn. Thay vào đó, áp lực hoàn thành kế hoạch sẽ rơi vào 2020, và một vài thương vụ lớn có thể diễn ra. Một số tên tuổi lớn đáng chú ý là Mobifone, Vinacafe, VNPT, VEA, PLX…

Về việc cổ phần hoá, lũy kế đến tháng 8/2019, đã có 36/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục phải cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN (35 doanh nghiệp) và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg (01 doanh nghiệp). Từ nay đến hết năm 2020 còn phải cổ phần hóa 92 doanh nghiệp. Như vậy, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn chậm (28%), không đạt được kế hoạch đề ra.

Nguyên nhân khiến cho tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm là do quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do Ủy ban nhân dân địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa.

Tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc cổ phần hóa.

Việc chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần của các doanh nghiệp cổ phần hóa đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, làm ảnh hưởng đến công tác bàn giao và thu nộp các khoản về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. Việc bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC còn chậm, chưa đảm bảo kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này.

“Một trong tôn chỉ cổ phần hóa đúng luật là phải đúng Luật Đất đai và các Luật khác, khâu chuẩn bị cổ phần hóa rất quan trọng, doanh nghiệp nhà nước phải làm thường xuyên không phải chỉ đến khi cổ phần hóa mới làm”, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính từng cho biết.

Ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho biết, có doanh nghiệp trong diện cổ phần hoá, thoái vốn lớn, quy mô lớn hoạt động ở nhiều địa bàn, có đơn vị xuống đến quận, huyện, công tác hoàn chỉnh hồ sơ giấy tờ rất rộng nên gây lúng túng, khó khăn cho doanh nghiệp liên quan vấn đề đất đai.

Lý do khác cũng được ông Trung đề cập là khả năng hấp thụ của thị trường, hiệu quả của doanh nghiệp trước cổ phần hoá…

Ngoài những nguyên nhân khách quan, thực tế cho thấy, thoái vốn, cổ phần hoá ì ạch thời gian qua còn xuất phát từ câu chuyện riêng tại mỗi doanh nghiệp trong đó không thể không kể đến như trường hợp Mobifone do vướng vụ việc với AVG, nhiều người làm sai, nhiều cá nhân bị kỷ luật dẫn đến chậm trễ. Hay như trường hợp Tổng công ty Giấy thoái vốn khỏi Giấy Phương Nam, nhà máy chưa hoạt động, bán đấu giá “ế” nhiều lần, mức định giá không hề rẻ…

Theo Bảo Vy (Bizlive.vn)