Tìm kiếm từ khóa "thịt lợn nhập khẩu" trên công cụ Google cho ra khoảng 10.100.000 kết quả trong vòng 0,45 giây. Với từ khóa "bán thịt lợn nhập khẩu", thì trong 0,49 giây có khoảng 10.200.000 kết quả. Còn gõ từ khóa "mua thịt lợn nhập khẩu" có khoảng 11.600.000 kết quả chỉ trong vòng 0,42 giây. Điều này cho thấy rất nhiều người đang quan tâm, tìm kiếm thịt lợn nhập khẩu.
Dạo một vòng tại một số siêu thị và cửa các gian hàng online, phóng viên VOV.VN nhận thấy thịt lợn nhập khẩu chủ yếu từ Canada, Brazil, Đức, Ba Lan, Nga, Mỹ... được bán với nhiều mức giá khác nhau. Nếu mua thịt ở siêu thị thì giá được niêm yết khá rõ ràng và không chênh nhau là mấy, nhưng mua trên chợ mạng thì người tiêu dùng như bước vào "ma trận" bởi mỗi nơi một giá.
Mua thịt lợn nhập khẩu tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội), chị Thanh Hoa cho biết giá khá "mềm", rẻ hơn thịt tươi trong nước khá nhiều. "Có nhiều loại để khách hàng lựa chọn như thịt nạc vai, ba chỉ, sườn... Nhìn cảm quan bề ngoài thịt đông lạnh được đóng gói, dán nhãn truy xuất nguồn gốc rất cẩn thận, các miếng thịt được xẻ bằng máy phân mảnh gọn, màu sắc thịt, thớ thịt khá bắt mắt. So với giá lợn trong nước bán tại siêu thị, chợ dân sinh hiện khoảng trên 150.000 đồng/kg thì thịt nhập khẩu rẻ hơn khoảng 20.000- 30.000 đồng/kg", chị Hoa nói.
Giá cả và truy xuất nguồn gốc rõ ràng khiến thịt lợn nhập khẩu bán tại siêu thị thu hút khá nhiều khách mua. Đây cũng có thể coi là ưu điểm lấy lòng khách hàng.
Trên các gian hàng online, thịt lợn nhập khẩu cũng được rao bán khá nhiều. Có cửa hàng còn tận tình chỉ cả cách rã đông và chế biến thịt đông lạnh. Một số gian hàng uy tín thì khách tập nập đặt hàng, nhưng cũng có những cửa hàng online bị khách hàng chê "tơi bời" vì chất lượng thịt không đảm bảo, giá đắt hơn cả trong siêu thị.
Vừa chọn mua mấy kg thịt nhập khẩu trên chợ mạng chị Lệ Thủy (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn chưa hết bức xúc vì hàng chị mua không được như quảng cáo. "Tôi cũng nghe đài, báo nói Việt Nam mới nhập nhiều thịt lợn, giá lại rẻ hơn thịt trong nước nên mua về dùng thử, nếu ngon sẽ mua tiếp. Trong thời gian cách ly vừa qua tôi mua khá nhiều từ các gian hàng online về ăn dần nhưng không ưng ý vì chất lượng không ngon như họ giới thiệu với các bức ảnh mĩ miều trên mạng. Lần sau tôi sẽ rút kinh nghiệm, sẽ lựa chọn các cửa hàng uy tín, không ham rẻ, hoặc đến siêu thị để tận mắt thấy hàng, lựa chọn và mua cho yên tâm", chị Thủy nói.
Hiện trên các trang mạng xã hội có nhiều gian hàng rao bán các sản phẩm thịt lợn nhập khẩu từ Nga, Ba Lan,... với giá khá rẻ. Đơn cử như thịt ba chỉ (xuất xứ Nga) giá 115.000 - 120.000 đồng/kg (1 dải khoảng từ 1,2 dến 1,7kg); móng giò giá 75.000 đồng/kg; sườn giá 100.000 - 110.000 đồng/kg, tùy loại (bán tảng 3kg); bắp giò 75.000 đồng/kg; bắp giò rút xương 105.000 đồng/kg...
Thịt lợn được quảng cáo là nhập khẩu từ Ba Lan mang nhãn hiệu Pini có giá bán là 160.000 đồng/kg. Giá này là đã được chiết khấu từ giá gốc là 188.000 đồng/kg.
Lý giải nguyên nhân giá thịt nhập khẩu bán giá rẻ, chị Kim Oanh, chủ một gian hàng trên "chợ mạng" cho biết là do chị nhập các thùng hàng thịt đông lạnh tại kho đưa về bán và ship tận nơi cho khách hàng nên giá "mềm" hơn.
"Khách hàng của tôi chủ yếu mua số lượng lớn. Trung bình mỗi ngày tôi bán cho khách cả tạ thịt lợn nhập khẩu, có ngày xuất được cho các nhà, hàng quán ăn thì số lượng tăng gấp đôi thậm chí là gấp ba lần", chị Kim Oanh cho hay.
Tin lời quảng cáo online là thịt lợn được nhập khẩu tại các nước tiên tiến như Ba Lan, Tây Ban Nha, được áp dụng các tiêu chuẩn cao về an toàn vệ sinh thực phẩm bà Hoa (Hà Nam) bức xúc khi bị "mua hớ" mà hàng lại "chả ra gì".
"Cùng một loại thịt lợn nhưng mỗi nơi báo một giá khác nhau, chênh tới 10.000 – 30.000 đồng/kg", bà Hoa nói.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến đã đi kiểm tra công tác kiểm dịch và thông quan việc nhập khẩu thịt lợn tại cảng Hải Phòng.
Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y các thủ tục hành chính về kiểm dịch, kiểm tra chất lượng phải đảm bảo ngắn nhất, nhanh nhất và đảm bảo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn để tạo điều kiện đưa số lượng thịt lợn nhập khẩu sớm về Việt Nam.
Hiện Việt Nam cho phép 19 quốc gia được xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn vào Việt Nam. Tổng số doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu khoảng 788 doanh nghiệp, nhiều nhất từ các quốc gia như: Mỹ, Italy, Tây Ban Nha, Nga...
Từ đầu năm đến nay, có khoảng 108 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn. Giá thịt lợn trung bình nhập khẩu từ các quốc gia này về tới cảng Việt Nam vào khoảng 2,55 USD/kg (tương đương 60.000 đồng/kg) tùy loại sản phẩm. Mức giá này thấp hơn nhiều so với giá thịt lợn hơi và các sản phẩm thịt lợn nội địa có bán trên thị trường.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, để tăng nguồn cung thì phải nhập khẩu thịt lợn nhằm bình ổn thị trường. Tuy nhiên, đến giữa tháng 4/2020, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng số lượng thịt lợn được nhập khẩu mới đạt khoảng 45.000 tấn, vẫn còn thấp hơn nhiều so với con số 100.000 tấn mà lãnh đạo Chính phủ đã giao./.
Theo Trần Ngọc (Vov.vn)