Tầm này năm ngoái, giá thịt lợn bắt đầu tăng như “lên đồng”, tạo nên cơn sốt giá chưa từng có. Từ mức 40.000-50.000 đồng/kg, chỉ trong một thời gian ngắn, giá lợn hơi đã vọt lên 70.000-75.000 đồng/kg. Thậm chí, vào thời điểm tháng 12/2020, giá thịt lợn đã chạm mốc 95.000 đồng/kg, sau đó đạt đỉnh cao lịch sử 100.000 đồng/kg vào tháng 5/2020.
Tại chợ, giá thịt lợn theo đà tăng phi mã. Từ mức 80.000-90.000 đồng/kg nhanh chóng vọt lên 160.000-250.000 đồng/kg tùy loại. Trong siêu thị, có thời điểm còn ghi nhận giá lên tới gần 300.000 đồng/kg với mặt hàng thịt ba chỉ và sườn thăn.
Khi ấy, các mặt hàng chế biến từ thịt lợn, hàng cơm bình dân, quán bún chả, bún mọc,... thậm chí là quán bánh mì hay hàng cháo, bành bao cũng ồ ạt tăng giá theo.
Ví như xiên thịt nướng ngoài vỉa hè nhanh chóng tăng từ 5.000 đồng lên 7.000 đồng/xiên; bún chả, bún mọc tăng thêm 5.000 đồng/bát; cơm bình dân chỉ có vài ba món làm từ thịt lợn nhưng cũng tăng thêm 5.000-10.000 đồng/suất, hàng bò bít tết xin bớt của khách 1 chiếc bánh mì và tăng thêm 5.000 đồng/suất dù không có nguyên liệu là thịt lợn...
Nguyên nhân “tăng thêm, giảm bớt” đều được các chủ hàng đưa ra là do thịt lợn tăng giá.
Tính đến nay, đã tròn một năm kể từ khi bắt đầu sốt giá thịt lợn. Khoảng 3 tháng trở lại đây, do thúc đẩy tái đàn, tăng đàn cộng với kiểm soát tốt dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung ngày càng dồi dào nên giá thịt lợn hơi có chiều hướng giảm mạnh, trở về mức hợp lý hơn.
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), trong tháng 10/2020, giá lợn hơi tại các khu vực đều giảm.
Cụ thể, so với tháng trước, giá lợn hơi tại miền Bắc dao động trong khoảng 60.000-66.000 đồng/kg, tức giảm 18.000 đồng/kg; tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá thu mua lợn hơi còn 64.000-72.000 đồng/kg, giảm 10.000-15.000 đồng/kg; còn khu vực miền Nam, giá lợn hơi được giao dịch từ 69.000-77.000 đồng/kg, giảm 5.000-10.000 đồng/kg.
So với thời đỉnh điểm tháng 5/2020 giá lợn hơi ở mức trên dưới 100.000 đồng/kg, nay giá lợn hơi đã giảm khoảng 35.000-40.000 đồng/kg.
Ghi nhận tại các khu chợ trên địa bàn Hà Nội, giá thịt lợn những ngày này cũng đã giảm mạnh. Hiện sườn thăn giảm còn 150.000 đồng/kg, thịt ba chỉ giá 140.000 đồng/kg, các loại thịt mông sấn, thịt vai, nạc thăn, chân giò,... giá dao động từ 120.000-130.000 đồng/kg tùy loại.
Chị Đào Thị Thanh Nga, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội), cho biết, khi thịt lợn sốt giá, giá thịt móc hàm chị nhập ở chợ đầu mối lên tới 120.000-130.000 đồng/kg. Nhưng gần đây, giá lợn móc hàm chỉ còn 90.000-95.000 đồng/kg. Thế nên, các mặt hàng thịt lợn bán tại chợ cũng giảm đáng kể.
“Lúc thịt lợn tăng giá, hàng ế, mỗi ngày tôi chỉ bán được 60-70kg thịt. Bây giờ giá hợp lý hơn, người dân tăng mua nên tôi bán hết 1,5 tạ/ngày”, chị nói.
Thế nhưng, trái ngược với xu hướng giảm từ chuồng tới chợ thì các mặt hàng chế biến từ thịt lợn, hàng ăn lại không có dấu hiệu giảm theo, vẫn cố thủ ở mức cao.
Bà Lê Thanh Thúy ở Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) than thở, thịt lợn quay tại chợ vẫn bán tới 350.000 đồng/kg, không hề giảm dù giá thịt lợn tại chợ đã giảm mạnh.
“Mua thịt về tự quay bì không giòn được như ngoài hàng nên tôi thường chọn mua sẵn”, bà nói. Trước kia giá thịt lợn quay ở chợ chỉ 250.000 đồng/kg, khi thịt lợn tăng giá, bà phải mua với giá 350.000 đồng/kg. Giờ giá thịt lợn giảm mà thịt quay vẫn chưa thấy giảm.
Tương tự, hàng chả nướng vẫn giữ mức giá 500.000-550.000 đồng/kg. Mặt hàng giò nạc hay chả cũng giữ ở mức 180.000-200.000 đồng/kg.
Chị Phạm Thị Mai ở ngõ chợ Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội) than thở giá dịch vụ ăn uống tăng nhanh rồi nhất quyết không chịu giảm dù giá thịt lợn đã giảm mạnh.
Cuối năm ngoái, đi ăn bán bún mọc chủ hàng thông báo tăng từ 35.000 đồng lên 40.000 đồng/bát, bánh bao tăng từ 15.000 đồng lên 20.000 đồng/chiếc, bún chả còn tăng hẳn 10.000 đồng/suất lên 35.000 đồng/suất. Hàng nào cũng nói do giá thịt lợn tăng nên họ phải tăng và mong khách hàng thông cảm. Giờ giá thịt lợn giảm cả 40.000-60.000 đồng/kg so với thời đỉnh điểm mà những hàng quán này vẫn giữ mức giá đó, chị Mai ngán ngẩm nói.
Trước câu hỏi giá thịt lợn giảm mạnh vì sao giá dịch vụ ăn uống vẫn chưa chịu giảm theo, nhiều chủ hàng thừa nhận, dịp gần đây giá thịt lợn dù giảm nhưng vẫn tăng giảm thất thường, giá chưa về mức cũ (trước khi có cơn sốt giá) nên họ phải nghe ngóng. Nếu giá thịt lợn giảm thêm thì họ sẽ điều chỉnh giá các món ăn khác cho phù hợp.
Theo Châu Giang (VietNamNet)