Ông Nguyễn Văn Giàu, chủ hộ nuôi heo tại Long An cho biết, một tuần nay trang trại nhà ông cứ mỗi ngày có 4-5 thương lái đến đề nghị hỏi mua heo với giá 49.000 đồng một kg, tăng 6.000 đồng so với một tháng trước đó nhưng ông vẫn chưa bán vì đợi giá heo hơi lên trên 50.000 đồng một kg.
"Hiện, trang trại của tôi có 150 heo thịt. Dù được năn nỉ bán tận nhà nhưng tôi vẫn giữ lại để đợi giá tăng lên", ông Giàu nói và giải thích, sở dĩ heo nhà ông được săn đón vì heo được nuôi trong quy trình khép kín. Trong khi đó, lượng heo sạch trong dân hiện giảm mạnh, còn nhu cầu tiêu dùng đã bắt đầu tăng trở lại.
Để đối phó với dịch tả và đảm bảo heo không mắc bệnh, ông đã phải cấm không cho bất cứ cá nhân nào tham quan chuồng trại. Thêm vào đó, ông luôn cho heo sử dụng nước sạch từ nguồn giếng nước sâu 330m để tắm rửa, tăng cường vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Do đó, trang trại của ông là địa chỉ được nhiều thương lái săn đón.
Cũng được săn mua hơn một tuần nay, theo ông Anh ở Long An, nhiều thương lái muốn đặt cọc nhưng ông vẫn chưa bán. "Tôi có khoảng 100 con heo thịt được nuôi theo quy trình khép kín, an toàn sinh học. Hiện, thương lái đang trả 49.000 đồng một kg nhưng tôi đợi lên 52.000 đồng mới bán vì heo mình sạch không bán người này thì bán người khác", ông Anh nói.
Tại Đồng Nai, các hộ chăn nuôi heo sạch theo quy trình VietGAHP với gần 400 hộ, trong đó đã có 23 tổ hợp tác đã được cấp chứng chỉ cũng vô cùng phấn khởi vì cũng được thương lái đến đặt cọc tại chuồng.
Theo các hộ chăn nuôi tham gia vào chuỗi liên kết heo sạch THT Gahp, khi heo ở vào giai đoạn dịch bệnh, người tiêu dùng chú ý đến heo sạch nhiều hơn dẫn đến thị trường tiêu thụ khá thuận lợi. Hiện, nông dân ở đây bán thịt heo hơi với giá 48.000 - 49.000 đồng một kg.
Ông Nguyễn Văn Truyền, Phó tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam cho biết, công ty ông dù mới cho sản phẩm thịt heo mát chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học mới ra mắt thị trường từ hồi tháng 3 nhưng tới nay lượng heo bán ra đã tăng mạnh. "Nếu thời gian đầu công ty mới bán khoảng 200 con một ngày thì nay tăng lên 700 con một ngày chỉ sau một tháng. Nhờ sản xuất với quy trình khép kín từ con giống đến khâu ra sản phẩm nên được người tiêu dùng đón nhận bất chấp dịch tả", ông Truyền nói.
Cũng xác nhận thịt heo tăng cầu trở lại, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An cho hay, thời gian đầu lượng heo cung ứng cho thị trường giảm, nhưng, sau một tháng tuyên truyền cho người dân hiểu về bệnh dịch tả heo châu Phi không ảnh hưởng đến con người thì nhu cầu tiêu thụ tăng trở lại. Hiện, mỗi đêm Long An cung ứng ra thị trường khoảng 5.000 con, trong đó, cung cấp cho thị trường TP HCM 4.000 con.
"Tổng đàn heo của Long An là 162.000 con, nếu nhu cầu tiêu thụ tăng cao như hiện này thì chỉ khoảng một tháng là nguồn heo tại tỉnh cạn kiệt. Do đó, tỉnh đang phối hợp với các địa phương khác phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu để nhập heo để tránh xảy ra tình trạng khan hiếm", lãnh đạo Sở Nông nghiệp Long An nói.
Theo Thi Hà (VnExpress.net)