Vấn đề giải cứu nông sản trong đó có thịt heo và sự phát triển bất hợp lý ngành nông nghiệp được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội chiều nay.
Nhiều năm qua hết thanh long, dưa hấu, tỏi, hành tím, hạt tiêu, giờ thịt heo, trứng gà, bí đỏ, chuối ế thừa phải giải cứu, và danh sách nông sản ế còn kéo dài.
“Trước tình trạng thịt heo rẻ như khoai lang như báo chí miêu tả, chúng ta đang chứng kiến nỗi đau của người chăn nuôi, nhưng đáng tiếc báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá cụ thể việc này”, đại biểu Cương nhấn mạnh.
Đại biểu Cường đề xuất UB Thường vụ quốc hội cần tăng thời gian chất vấn để tìm giải pháp tiêu thụ nông sản, song song với việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Giá thịt heo giảm liên tục suốt từ đầu năm đến nay và chuyện giải cứu nông sản được nhiều đại biểu quan tâm. Ảnh: Nam Thiên. |
Đồng tình với điều này, đại biểu Đoàn Văn Việt (Lâm Đồng) cho biết nông nghiệp là ngành quan trọng của nền kinh tế nhưng còn nhiều tồn tại.
Theo đại biểu Đoàn Văn Việt, ngành nông nghiệp đang chạy theo sản lượng, nguồn cung dư thừa dẫn tới được mùa rớt giá. Các cuộc giải cứu đã từng diễn ra chưa thể làm yên lòng nông dân.
Ông Việt cũng chỉ ra một loạt các điểm yếu của ngành nông nghiệp hiện nay. Nông dân còn sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, công nghệ chiến biến sau khi thu hoạch chưa phát triển, giá trị hàng hóa nông nghiệp còn thấp. Nông dân chủ yếu lấy công làm lời, sản xuất không theo quy hoạch, tự phát.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết cần thay đổi tư duy trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. Vừa qua ngành nông nghiệp có một số phát động trợ giá ngắn hạn là không hiệu quả. Các bộ, ngành, địa phương mới chỉ quan tâm đến chỉ tiêu sản xuất, chưa quan tâm đến giá cả. Cần chuyển sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Cũng theo ông Hòa, hiện Việt Nam chưa có bộ máy nghiên cứu thị trường. Việc tìm kiếm thị trường nước ngoài có vai trò rất quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp.
Ngay đầu năm, giá chuối giảm 10 lần, nông dân mang đổ cho bò, dê ăn, nhiều nơi tham gia giải cứu "mở đầu" cho những cuộc giải cứu nông sản liên tục diễn ra 5 tháng qua. Ảnh: Ngọc An. |
Ngoài ra, chính quyền các cấp cần khai thác thị trường trong nước, giảm chi phí vận chuyển nội địa, hỗ trợ về kho bãi, xúc tiến tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Trong khi đó đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Bình Phước) nhấn mạnh cần quan tâm đầu tư phát triển ngành nông nghiệp, một trong các trụ đỡ của nền kinh tế.
Thời gian vừa qua, ngành nông nghiệp liên tiếp khặp những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh và tình trạng được mùa mất giá. Nhiều cuộc giải cứu nông sản diễn ra như chuối, heo, bí ngô, cà chua… đề nghị cần sớm có chính sách hỗ trợ dân, tái cơ cấu ngành theo hướng quy mô hóa, hiện đại.
Ông Tuấn Anh cho rằng Chính phủ đã có gói tín dụng hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao, nhưng người dân rất khó tiếp cận. Một số điều kiện là phải hoạt động trong lĩnh vực này ít nhất 3 năm, không được thế chấp tài sản đầu tư trên đất, đang khiến nông dân gặp khó khăn.
Đại biểu đề nghị cần sớm có chính sách hỗ trợ người dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao, dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.
Ngoài ra, cần xây dựng khung chính sách rõ ràng để liên kết nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học với Nhà nước.
Theo H.Công (Tri Thức Trực Tuyến)