“Thiêu thân” trên sàn vàng

05/06/2015 07:39:44

Hàng loạt sàn vàng kinh doanh trái phép bị đánh sập, thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng vẫn không làm nản lòng người chơi.

Hàng loạt sàn vàng kinh doanh trái phép bị đánh sập, thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng vẫn không làm nản lòng người chơi.

Vài ngày sau khi sàn vàng BBG (Tập đoàn Tài chính BBG) bị cơ quan công an đánh sập, một số sàn vàng khác có dấu hiệu tạm ngừng hoạt động hoặc lui vào thế thủ.

Càng thua càng nghiện

Sáng 4-6, thông qua vài nhà đầu tư, chúng tôi được biết sàn Im., (trụ sở tại quận 1, TP HCM) vẫn mở cửa cho giao dịch vàng và nhận gửi tiền góp vốn, ủy thác cho các khách hàng quen. Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ qua tổng đài, nhân viên tư vấn của sàn Im. từ chối: “Bên này không có mở tài khoản, huy động vốn hay ủy thác gì cả. Nếu ai giới thiệu thì chị liên hệ với người đó!”.

Một nhà đầu tư đang có tài khoản ở Im. cho biết vài ngày trước, nhiều người đã đến rút tiền tại sàn này và đều được đáp ứng đầy đủ. Số tiền trong tài khoản được rút ra lên tới khoảng 20 tỉ đồng. “Đây có thể là một chiêu của sàn này nhằm lấy lòng tin từ khách hàng. Khi nào sự việc tạm yên ổn, họ lại tiếp tục bung ra” - nhà đầu tư nêu trên nhận xét.
 

Sàn vàng BBG Chi nhánh TP HCM lúc bị khám xét khẩn cấp


Sau khi sàn BBG bị đánh sập, những người liên quan đang đứng ngồi không yên thì rất nhiều nhà đầu tư khác vẫn tiếp tục “cày bừa” các sàn vàng và forex (sàn ngoại hối) như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Anh Hoàng, một nhà đầu tư có 7 năm đánh vàng tài khoản, không ngần ngại tuyên bố: “Dù sàn vàng trong nước có bị đánh sập hết, tôi vẫn không nghỉ. Thời buổi khó khăn, khó có kênh đầu tư nào chỉ bỏ vốn 1.000 - 2.000 USD mà có thể kiếm được 15-20 triệu đồng/tháng như “đánh” vàng tài khoản cả”.

Anh Hoàng cùng vài người bạn đã tham gia kênh đầu tư đầy rủi ro này từ năm 2007-2008, khi Việt Nam có sàn vàng đầu tiên. “Thời kỳ đầu, thua lỗ vài trăm triệu/tháng là chuyện bình thường. Giá vàng thế giới chỉ cần biến động 5-7 USD/ounce, tài khoản của tôi đã có thể “cháy” 3.000-4.000 USD. Càng thua càng nghiện, đến nay đã gần chục năm, ngay cả thời kỳ sàn chính bị đóng cửa, nhóm chúng tôi vẫn trụ được. Chơi vàng tài khoản như “ăn vào máu”, không có sàn trong nước thì chúng tôi chơi trực tiếp với sàn ở nước ngoài” -  anh quả quyết.

Sàn ngoại đục nước béo cò

Theo thông tin mà PV thu thập được, tại TP HCM vẫn còn gần chục sàn vàng không phép đang hoạt động, thu hút rất nhiều nhà đầu tư tham gia. Thậm chí, đang có làn sóng sàn vàng ở nước ngoài thâm nhập Việt Nam, lôi kéo người chơi bằng cách đặt văn phòng ở những vị trí đắc địa và tung ra nhiều khuyến mãi, ưu đãi hấp dẫn.

Những công ty này giới thiệu là văn phòng đại diện của các sàn quốc tế, được cấp giấy phép, chứng chỉ ở nước ngoài, được bảo đảm về ký quỹ, bảo hiểm... Khách hàng khi đầu tư sẽ không phải lo gặp rủi ro như sàn trong nước vì nhà đầu tư được giao dịch trực tiếp với công ty mẹ ở nước ngoài...

Anh Minh, một nhà đầu tư có thâm niên gần chục năm “lăn lộn” trên các sàn vàng, cho biết “hot” nhất thời điểm này phải kể đến là sàn Tele. (một công ty đến từ Nga), nằm trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1. Mở văn phòng đại diện tại Việt Nam chưa lâu nhưng sàn vàng này đang kêu gọi đầu tư, mở tài khoản, quảng bá rầm rộ và không ngừng tuyển nhân viên. Tele. thậm chí còn nhận góp vốn với lãi suất 3%/tháng.

Một cái tên khác cũng đang “làm mưa làm gió” được giới đầu tư nhắc đến là Iron., (Hồng Kông, văn phòng tại tòa nhà Bitexco, quận 1). Theo thông tin trên website của sàn này, đây là công ty “hàng đầu toàn cầu về giao dịch trực tuyến trong lĩnh vực ngoại hối, có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới”. Ở Việt Nam, Iron. liên tục tung ra chương trình khuyến mãi để thu hút nhà đầu tư. “Sàn này chơi “sộp”, tặng 100% số tiền nhà đầu tư nộp vào tài khoản nhưng Tết vừa qua từng có thông tin bị bể, nhà đầu tư rút tiền không được. Đến giờ, sàn này vẫn nhận mở tài khoản, hoạt động bình thường” - anh Minh cho biết.

Chiều 4-6, nhân viên tư vấn của sàn Iron. khẳng định công ty vẫn hoạt động bình thường, nhận mở tài khoản và tiếp tục chương trình khuyến mãi nhân đôi số tiền nạp vào tài khoản. “Đây là sàn vàng số 1 thế giới, có giấy phép giao dịch đàng hoàng và bảo hiểm, ký quỹ đầy đủ nên chị yên tâm. Chơi với sàn quốc tế sẽ không lo rủi ro như sàn trong nước. Bên em còn sản phẩm góp vốn với lãi suất tùy theo mức độ rủi ro, khoảng 3,7%/tháng” - nhân viên này khoe.

Trong khi đó, những sàn vàng trong nước còn trụ lại đến giờ này cũng không kém cạnh. Ông Trung - tổng giám đốc một sàn vàng trên đường Nguyễn Công Trứ, quận 1 - đi đến đâu cũng “nổ” với khách hàng việc công ty mình “có cổ phần của quan chức cỡ bự ngành công an nên không ai dám sờ đến”. Nhà đầu tư tin tưởng và không ít người đã chuyển tài khoản từ các sàn vàng vừa bị đánh sập qua công ty này, tiếp tục góp vốn… Thậm chí, để đối phó cơ quan chức năng, sàn vàng này còn chuyển hướng hoạt động bằng cách lập thêm nhiều văn phòng, chi nhánh ở Singapore, Lào, Campuchia và Indonesia.
 
Nhà đầu tư Việt quá liều

Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết ở Chicago - Mỹ có sàn giao dịch về vàng, bạc và kim loại quý, các tiểu bang cũng có công ty môi giới về ngoại hối nhưng họ làm ăn rất bài bản và được kiểm soát chặt chẽ. Nhà đầu tư nếu cảm thấy sàn vàng làm ăn không đàng hoàng, gây rủi ro có thể kiện chủ sàn ra tòa và thường không ai bị lừa vì những khoản lãi suất “trên trời” mà chủ sàn đưa ra.

Theo TS Hiếu, không kênh đầu tư nào dễ dàng có siêu lợi nhuận như cách ủy thác, huy động của những sàn vàng trong nước đang làm. Trên thế giới, lợi nhuận cao gấp 3 lần lãi suất ngân hàng sẽ là những kênh đầu tư rất mạo hiểm, rủi ro cao hoặc tín dụng đen…

>> Hé lộ chiêu kiếm tiền "khủng" của ông chủ sàn vàng ảo BBG
>> BBG mở sàn vàng như bán hàng đa cấp!
>> Sàn vàng ảo BBG “ôm” 547 tỉ đồng nhưng không có khả năng trả nợ
>> Vì sao Tổng giám đốc Tập đoàn BBG bị bắt?
>> Sàn vàng trái phép BBG kêu gọi đầu tư ngàn tỉ như thế nào?

Theo Thái Phương (Nld.com.vn)