PV. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam xung quanh câu chuyện thiếu điện.
Một thủ tục khó là khoá luôn cả dự án
- Thưa ông, 4-5 năm trước, ông nhắc đi nhắc lại “không đủ điện mới chết chứ giá điện cao chưa chết”. Bây giờ, nhiều người cảm thấy thấm thía khi liên tiếp thiếu điện mấy tuần nay, ông suy nghĩ sao?
TS. Trần Đình Thiên: Thiếu điện hiện nay cần phải phân biệt 2 chuyện. Một là liên quan đến chuyện trời đất. Tức là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến thủy điện khô hạn. Đó là khó khăn khách quan. Ta phải nhìn vào đó để nhìn nhận rõ nguyên nhân, trách nhiệm.
Tuy nhiên, khía cạnh thứ 2, với vai trò điều hành ở góc độ chiến lược, thì tình trạng thiếu điện như hiện nay quả là câu chuyện không đáng có. Thậm chí, nếu chúng ta làm tốt thì hoàn toàn có thể còn xuất khẩu được điện. Mà khi xuất khẩu điện được thì đến lúc thủy điện giảm đi, chúng ta vẫn có thể xử lý được.
Ngành điện là ngành cần hệ thống thì vấn đề tầm nhìn đang rất thiếu hệ thống. Chúng ta đang có cơ hội, mà như Thủ tướng nói là cơ hội trời cho về nắng, gió. Chúng ta cũng đã có cách tiếp cận để tận dụng cơ hội đó. Nhưng do cách làm kiểu nông dân, lỗ mỗ không có hệ thống nên khi mở cửa được một chút chính sách cho ngành điện thì hệ thống truyền tải rất kém, gây ra tình trạng lãng phí nguồn lực, lãng phí tài nguyên và hậu quả rất nghiêm trọng như bây giờ.
- Ông có thể nói rõ hơn nhận định “lỗ mỗ, thiếu hệ thống”?
Ví dụ, nếu có hệ thống truyền tải tốt thì bây giờ điện từ miền Nam đã ra miền Bắc và thậm chí còn dư thừa, không thể nào thiếu được.
Bởi khi phát hiện ra năng lượng gió và mặt trời thì không có lý do gì để nói là thiếu điện, trừ khi thiếu cách tiếp cận hệ thống, tầm nhìn yếu kém. Từ tầm nhìn đó dẫn đến câu chuyện cơ chế.
Trong vấn đề cơ chế, chúng ta đã xử lý rất tốt câu chuyện giá điện bằng việc cho một khung giá ưu đãi (FIT) với năng lượng tái tạo đủ mạnh để khuyến khích nhà đầu tư. Nhưng khi đó, mấy năm liền, các tập đoàn, tổng công tư nhà nước mắc, không kịp đầu tư truyền tải thì cũng không cho tư nhân đầu tư đường truyền.
Một vài quy trình, thủ tục khó hoặc thiếu vài khâu là ta đóng luôn toàn bộ dự án. Cách làm như vậy rất nguy hiểm và rủi ro. Đáng nhẽ một dự án điện có rất nhiều khâu, tắc khâu nào ta giải quyết và chịu trách nhiệm ở khâu đó. Điều này gây tổn thất cực kỳ to lớn. Đây là cách làm việc hành chính quan liêu.
Đầu tư chậm, 'tổng quản' ở đâu?
- Nói đến câu chuyện thủ tục và trách nhiệm, có ý kiến cho rằng không chỉ là câu chuyện của năng lượng tái tạo mà cả các dự án điện than, mở rộng thuỷ điện của các tập đoàn Nhà nước lẫn tư nhân. Khi mà gần như 5 năm qua rất nhiều tiếng kêu về thủ tục nhưng không có dự án nào được hoàn thành, đưa vào sử dụng?
Đúng vậy! Tôi hỏi thì EVN nói 5 năm rồi không làm được nhà máy điện lớn nào thêm ngoài Thái Bình 2 (triển khai 10 năm trước). Vấn đề này cần được làm rõ trách nhiệm.
Tôi đọc báo thấy nói đại diện Bộ Công Thương xin lỗi, nhưng không chỉ Bộ Công Thương.
Bởi vì nói về quản lý đầu tư, chiến lược của các tập đoàn lớn, như EVN, PVN, TKV, từ khi có Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước thì Bộ Công Thương đã “lùi" về phía sau. Chuyện đầu tư kinh doanh của các tập đoàn chính là điểm nút của vấn đề.
Mấy năm vừa rồi mà không đầu tư thêm được nhà máy nào, đặc biệt đầu tư cho hệ thống truyền tải và không tháo gỡ cơ chế để cho tư nhân tham gia vào (truyền tải) là cả một câu chuyện rất lớn về tầm nhìn và trách nhiệm.
Ủy ban Quản lý vốn, với vai trò là "tổng quản" thì cách phối hợp giữa các tập đoàn nhà nước liên quan là như thế nào? Ví dụ như PVN, EVN và TKV đã phối hợp với nhau ra rao? Đây cũng là vấn đề then chốt. Đất nước ta trải dài 3 miền nên cần sự phối hợp và liên kết. Nếu bản thân các chủ thể này không phối hợp và liên kết được sẽ gây ra nguy cơ đứt đoạn rất lớn trong điều hành.
Tháo các nút thắt bằng cách tiếp cận thị trường
- Vậy còn nút thắt giá điện như ông từng đề cập, thì sao?
Chỗ này cũng minh chứng cho sự trì trệ của hệ thống định giá trên thị trường. Hệ thống thị trường điện của chúng ta vẫn là thị trường độc quyền. Nói là chuyển sang cơ chế thị trường nhưng chủ yếu là phát điện, bán buôn, còn bán lẻ ít.
EVN dù tiếng là "cầm cái" nhưng được giao nhiều việc. EVN ở trong tình thế vai trò, chức năng không rõ ràng, như sản xuất theo chỉ lệnh của Nhà nước nhưng không điều hành thị trường, không điều hành những nhân vật khác tham gia thị trường. Những yếu tố này khiến EVN rơi vào bi kịch. Đây là điểm thắt nút.
Nói đơn giản như EVN mua điện đầu vào với giá FIT cho điện gió, điện mặt trời cao, còn giá điện bán ra bị kênh. Kênh cả so với giá sản xuất điện. Khi chi phí giá sản xuất tăng thì đáng ra phải nâng giá bán lên, nếu không sẽ tắc nghẽn, thị trường vỡ ngay.
Nhưng chúng ta không giải quyết được điều đơn giản này.
Rõ ràng, cách tư duy thị trường ở đây vẫn là khiếm khuyết lớn nhất trong hoạt động điều hành. Chịu trách nhiệm về điều này có EVN, Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước.
- Các nút thắt là vậy, nhưng hôm nay, khi được hỏi bao giờ tình trạng thiếu điện được khắc phục thì có chuyên gia kinh tế năng lượng còn nói thẳng “không trả lời được”, ông nghĩ sao?
Hậu quả thiếu điện hôm nay là của tầm nhìn chiến lược trước đó. Vì đâu phải đầu tư một dự án điện 1-2 năm là có mà dùng. Thủ tục lằng nhằng không thể gỡ vướng ngay được.
Tuy nhiên, giải pháp nhanh trước mắt là câu chuyện tạo cơ hội cho tư nhân họ tham gia vào thì nhanh hơn rất nhiều.
Nhưng, muốn cho tư nhân vào thì thủ tục phải nhanh, điều kiện thông thoáng, chứ cứ bắt họ chạy đi chạy lại, xin cho tốn kém, chính sách thay đổi liên tục thì không ai làm được, đây là điều kiện tiên quyết.
Muốn khuyến khích thì phải tạo điều kiện thuận lợi, giá cả tốt hơn thì người ta sẽ vào.
Bên cạnh đó, cần rút kinh nghiệm như câu chuyện giá FIT, không nên kéo dài lâu quá (cả vòng đời dự án), rồi khi thấy mình thiệt quá lại nói đàm phán lại. Thay vào đó, có cơ chế giá FIT linh hoạt hơn, như 5 năm tính lại 1 lần, ví dụ như vậy.
Hiện nay, thiếu điện chủ yếu là miền Bắc. Giải pháp có thể là cho phép làm điện gió, năng lượng tái tạo, khuyến khích tư nhân vào do điều kiện ngoài Bắc không được thuận lợi về gió, nắng như miền Nam thì giá cần cao hơn. Đây cũng là yếu tố đảm bảo nguyên tắc thị trường.
Vì nếu giá cả hoàn toàn như nhau không có phân biệt thì họ chọn miền Nam hết. Nếu muốn đưa ra miền Bắc cần tăng điều kiện cho tư nhân, cũng là cách tiếp cận thị trường.
Đặc biệt, rút kinh nghiệm đã khuyến khích tư nhân vào thì phải hỗ trợ, tạo điều kiện, quan tâm tới lưới điện đi liền đồng bộ.
Đây là bài học rất lớn, câu chuyện liên quan đến tầm nhìn chiến lược, giải pháp cơ bản phát triển thị trường tự do, không phải hành chính quan liêu siết chặt các điều kiện.
Xin cám ơn ông!
TS. Nguyễn Đình Cung: Chính sách phải sòng phẳng
Mấy năm qua, chỉ số tiếp cận điện từ đứng số gần như bét bảng trên thế giới đã nhảy lên 27, tức hơn 100 bậc. Đó là sự cải thiện ngoạn mục.
Một trong những yếu tố là do cung cấp điện ổn định. Tính ổn định cung cấp điện được đánh giá rất cao.Tuy nhiên, bao nhiêu nỗ lực những năm vừa rồi coi như là mây khói, mọi thứ tan biến luôn khi thiếu điện những ngày qua.
Khi EVN lỗ chỉ có 2 cách, 1 là tăng giá bù lỗ, hoặc ngân sách phải bù khoản lỗ đó vì không phải do EVN mà do chính sách tạo nên. Phải sòng phẳng như vậy mới giải quyết được vấn đề. Nếu không sòng phẳng như thế thì sẽ loanh quanh không giải quyết được vấn đề gì.
Theo Hạnh Nguyên, Phan Chí Hiếu (VietNamNet)