Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, các giải pháp phát triển nguồn thực phẩm thay thế, song song với các biện pháp ngăn ngừa dịch tả lợn châu Phi phải tập trung vào 3 nguyên tắc chính đó là: Đảm bảo an toàn dịch bệnh, Tổ chức sản xuất chuỗi và phải có thị trường tiêu thụ, không sản xuất ồ ạt.
Sau 9 tháng, gia cầm tăng 12% sản lượng (trước là 1 triệu tấn), thuỷ sản tăng 6,5%, đại gia súc tăng 4%. Từ đó, "chúng ta đảm bảo cân đối, không bị khủng hoảng thiếu thực phẩm như Trung Quốc", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tuy vậy, về giá thịt lợn hiện nay tăng từ 40 – 45 ngàn đồng/kg lên 60 – 65 ngàn đồng/kg thịt lợn thì người dân phải tạm thời chấp nhận.
"Bởi, trong tình cảnh hiện nay thì chi phí sản xuất có cao hơn trước. Để đảm bảo đàn lợn sạch thì người sản xuất phải sử dụng các biện pháp bảo vệ môi trường. Chỉ doanh nghiệp hay hộ nào đảm bảo điều kiện an toàn sinh học mới được tái đàn chứ không tái đàn vô lối, vô nguyên tắc " – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lý giải.
Do nhu cầu tăng cao, để đảm bảo nguồn cung thực phẩm, từ giờ đến cuối năm, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết cơ quan này đã phát triển các mặt hàng khác như thịt bò, trứng thịt gà… để thay thế một phần nguồn cung thịt lợn thiếu hụt.
Bên cạnh đó, hiện tổng đàn lợn cả nước còn 25 triệu con, đàn giống để nhân giống phục vụ tái đàn dồi dào nên nếu kiểm soát, nhân giống tái đàn tốt sẽ đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, số lượng lợn nái hiện nay hoàn toàn có thể chủ động con giống cho tái đàn, đáp ứng nhu cầu thực phẩm những tháng cuối năm và dịp Tết.
“Với thống kê này, cùng với hệ thống chăn nuôi an toàn sinh học, ngành chăn nuôi sẽ chủ động được nguồn thực phẩm cuối năm,” ông Trọng nói.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình bình ổn thị trường thực hiện trong dịp Tết Nguyên đán đã có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Còn tại Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, thành phố đã lên kế hoạch dữ trự 31.200 tỷ đồng hàng Tết với 7 mặt hàng thiết yếu và 5 mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao.
Với mặt hàng thịt lợn, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối thực hiện cấp đông để đảm bảo một phần nguồn cung cũng như chủ động phối hợp với các địa phương khác để bổ sung nguồn hàng đồng thờiphát triển các sản khác như thịt trâu, bò, gà, trứng để đảm bảo bù đắp một phần thay thế cho thịt lợn.
Hiện 21 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đã chủ động đăng ký và dự trữ lượng thực phẩm, hàng hóa bình ổn với kinh phí 9.000 tỷ đồng/tháng (gấp đôi so với kế hoạch được giao), trong đó mặt hàng thịt và các sản phẩm thực phẩm chế biến được các doanh nghiệp đăng ký dự trữ đảm bảo theo nhu cầu.
Như vậy có thể thấy, việc cân đối cung-cầu các mặt hàng thiết yếu trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán tại nhiều thành phố lớn đã cơ bản hoàn thành, với nhiều phương án đưa ra nhằm không bị động trong mọi tình hình, tránh tính trạng sốt giá ảo do thiếu nguồn cung, giúp người dân yên tâm đón Tết.
HP (SHTT)