Thiết bị "gián điệp" bày bán tràn lan ở chợ vùng biên

12/02/2016 09:59:11

Hàng loạt thiết bị điện tử "gián điệp" có nguồn gốc Trung Quốc được bày bán tràn lan ở khắp các chợ vùng biên, nhưng không bị cơ quan chức năng xử lý.

Hàng loạt thiết bị điện tử "gián điệp" có nguồn gốc Trung Quốc được bày bán tràn lan ở khắp các chợ vùng biên, nhưng không bị cơ quan chức năng xử lý.

Các thiết bị gián điệp được bày bán rất nhiều ở chợ vùng biên - Ảnh: Nam Anh

Chợ điện tử Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh và các chợ Đông Kinh, Kỳ Lừa, Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn là địa điểm trung chuyển thiết bị "gián điệp" với quy mô lớn từ Trung Quốc vào Việt Nam. Chỉ cần bỏ ra 500 - 1,5 triệu đồng đã mua được một thiết bị nghe trộm, có thể kết nối đến bất cứ nơi nào trên trái đất.

Trong vai khách du lịch, phóng viên Thanh Niên tiếp cận một số cửa hàng chuyên buôn bán hàng điện tử tại chợ điện tử Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh). Khu chợ rộng hàng ngàn mét vuông, tập hợp hàng trăm gian hàng buôn bán các mặt hàng điện tử, trong đó có nhiều loại thiết bị "gián điệp" - được gọi là “sim nghe trộm”.

Cách thức hoạt động của "sim nghe trộm" rất đơn giản. Chỉ cần gắn sim vào thiết bị có kích cỡ nhỏ bằng bao diêm, rồi lắp đặt ở khu vực cần thu âm thanh, hình ảnh và dùng một mật mã nhắn tin đến đầu số thuê bao di động gắn trên thiết bị, thiết bị sẽ được kích hoạt và tiến hành thu âm thanh, hình ảnh trong phạm vi hàng chục mét rồi tự động chuyển tải về điện thoại của người đặt máy nghe. Trường hợp, người nghe lén ở nước ngoài, thuê bao dùng để kích hoạt phải được đăng ký cuộc gọi quốc tế.

Theo nhân viên của một cửa hàng tại chợ điện tử Móng Cái, khách hàng có nhu cầu mua mặt hàng nào, chủ cửa hàng sẽ đặt từ Trung Quốc mặt hàng đó, đúng theo yêu cầu của khách. Nếu mua số lượng lớn thì được giảm giá từ 80 - 100.000 đồng/sản phẩm. Việc vận chuyển từ Móng Cái về xuôi do khách hàng chịu trách nhiệm.

Tại một số chợ giáp vùng biên, tỉnh Lạng Sơn bán thiết bị "gián điệp" với quy mô lớn hơn, chủng loại sản phẩm rất đa dạng. Thậm chí, các loại thiết bị mới cũng được thương lái thường xuyên cập nhật.

Một chủ cửa hàng tại chợ Đông Kinh (thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) cho biết, những người mua thiết bị này thường rất... bí ẩn. "Có khách ở Hà Nội mua số lượng lớn nói là đem về thành phố bán lại. Nhưng cũng có khách hàng mua từ 10 - 30 thiết bị, khi hỏi sao mua nhiều thế, vị khách nhếch mép cười chẳng nói câu nào", chủ cửa hàng nói.

Sau vài phút lân la, một chủ cửa hàng tại chợ Đông Kinh cho biết: “Nếu các anh mua nhiều chúng tôi sẽ đặt hàng bên Trung Quốc. Chỉ cần 2 ngày là có hàng về đến đây. Còn về chủng loại, chúng tôi sẽ cập nhật liên tục. Cứ khi nào có sản phẩm mới, chúng tôi lại đem về giới thiệu cho khách. Khi hàng về, các anh có thể lên Lạng Sơn lấy hoặc chúng tôi sẽ gửi qua xe khách xuống Hà Nội”.

Nguy cơ mất an ninh

Về cơ chế hoạt động, tùy vào từng loại thiết bị mà có cách thu thập thông tin khác nhau. Có loại chỉ ghi âm thanh rồi truyền đến máy chủ, có loại thông minh hơn, có thể tự động thu âm thanh, hình ảnh truyền về máy chủ. Theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên, tất cả các thiết bị nghe trộm đều hoạt động trên tần số 800MHZ, 900MHZ, 1800MHZ, 1900MHZ… Loại N9, ghi âm tầm xa 15 m truyền trực tiếp về máy chủ; loại A6, ghi âm, ghi hình truyền trực tiếp về máy chủ; loại 009 tự động thu thập dữ liệu truyền về máy chủ. Ngoài ra, tại chợ điện tử Móng Cái còn có một thiết bị in hình quả táo cắn dở, bên ngoài thiết bị không ghi tên gọi và thông số kỹ thuật. Tuy nhiên, theo giới thiệu của các nhân viên cửa hàng, thiết bị này thuộc loại rẻ và chỉ có chức năng ghi âm, sau đó truyền về máy chủ theo dải tần quy định. Cách hoạt động giống với thiết bị N9.

Khe cắm sim và thẻ nhớ của một thiết bị - Ảnh: Nam Anh

 
Thời gian hoạt động của các thiết bị khác nhau. Loại N9 có thể hoạt động được 3 - 4 ngày. Những loại cấu hình cao như A6, X900, 009, pin hoạt động trong 10 ngày...

Trong số các loại thiết bị "gián điệp", A6, X900 có cách thức hoạt động vô cùng tinh vi. Bên trong hai thiết bị này ngoài thẻ gắn sim còn có một thẻ nhớ dung lượng hỗ trợ lên đến 64G. Trong trường hợp khu vực gắn thiết bị chíp điện tử gây nhiễu dẫn đến mất sóng, thiết bị sẽ tự động hoạt động mà không cần điều khiển từ máy chủ. Khi phát hiện âm thanh, hình ảnh trong phạm vi 15 - 30 m, thiết bị tự động kích hoạt thu thập tin sau đó lưu dữ liệu vào thẻ nhớ. Nếu không phát hiện động tĩnh, thiết bị sẽ tự động ngắt hoạt động. Việc thu thập thông tin và lưu trữ được thực hiện cho đến khi đầy thẻ nhớ mới thôi. Khi khu vực gắn thiết bị được phủ sóng trở lại, thiết bị sẽ tự động chuyển toàn bộ dữ liệu về máy chủ.

Phổ biến nhất là loại thiết bị có in hình quả táo cắn dở - Ảnh: Nam Anh

 
Mặc dù các thiết bị "gián điệp" được tiêu thụ rất nhiều, nhưng lực lượng chức năng lại tỏ ra thiếu trách nhiệm trong việc quản lý. Ông Trần Sơn, Đội trưởng Đội quản lý thị trường thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh cho biết, ông có nghe qua về việc các cửa hàng bán thiết bị "gián điệp" mà phóng viên Thanh Niên phản ánh. Nhưng từ trước đến nay, cơ quan chức năng chưa phát hiện được cá nhân nào tham gia mua bán, cũng chưa bắt được vụ nào buôn bán loại thiết bị này. Ngoài ra, ông Sơn cũng cho rằng, nhiệm vụ quản lý việc buôn bán thiết bị "gián điệp" thuộc thẩm quyền của cơ quan công an.

Theo Hà An - Nam Anh (Thanh Niên Online)

Nổi bật