Lãi suất vay nóng, cầm đồ World Cup tăng gấp 2-3 lần
Chỉ mới bước qua tuần đầu tiên của mùa giải World Cup, các con phố được mệnh danh là "thiên đường" cầm đồ trên địa bàn Hà Nội như đường Láng, phố Đặng Dung, phố Phó Đức Chính… trở nên vô cùng nhộn nhịp và đông đúc hơn bao giờ hết.
Dọc các phố này, nhiều tiệm cầm đồ World Cup trưng biển mở cửa xuyên đêm nhận khách. Trong đêm tối, những tấm biển "cầm đồ giá thấp", "cầm đồ ô tô – xe máy- điện thoại", "cho vay tài chính"… thắp điện sáng choang. Không ít tiệm làm mới biển quảng cáo để thu hút sự chú ý.
Theo T.N (chủ một tiệm cầm đồ trên đường Láng, Hà Nội) cho biết, các trận đấu diễn ra từ chiều tối đến rạng sáng hôm sau, nên khách đến rải rác hầu hết các giờ trong ngày. Tuy nhiên, lượng người đến sau trận đấu lúc 1h sáng đông hơn, vậy nên, tiệm cầm đồ sẽ mở cửa 24/24h.
Cũng theo chủ tiệm này, đầu mùa giải bao giờ lượng khách cũng tăng ít nhất 2-3 lần so với ngày thường. Trung bình mỗi ngày, cửa hàng của anh này có ít nhất 10 chiếc điện thoại, 5 máy tính cầm cố. Ngoài ra, loại hàng như xe máy, máy tính bảng, máy chơi game cũng không hiếm.
"Sự xoay chuyển và lội ngược dòng của những đội bóng cửa dưới khiến kết quả vòng bảng bao giờ cũng khó đoán. Chính vì thế, đầu mùa giải, dân cá độ đặt nhầm cửa sẽ khá đông. Thường thì món đồ nhỏ cầm cố trước như điện thoại, máy tính. Sau càng thua đậm thì càng cắm những đồ giá trị hơn như xe máy, giấy tờ nhà đất", T.N cho hay.
Cũng theo lời kể của chủ tiệm này, thời gian đầu, lãi vay mức trung là 3000 - 3.500 đồng/1 triệu/ngày. Tuy nhiên, càng vào sâu World Cup, mức lãi có thể tăng lên 10.000 – 20.000 đồng/1 triệu/1 ngày.
Ngoài ra, thời gian gia hạn cầm cố sẽ rút ngắn xuống 5-7 ngày thay vì để tự do như hồi đầu bảng. Các tiệm chỉ "ưu đãi" cho một vài khách quen có thể vay tới 1 tháng hoặc trả lãi theo tuần, còn khách vãng lai chỉ duy trì thời gian tối đa là 2 tuần.
Đây là cách các chủ tiệm đảm bảo không bị lỗ, khi có không ít khách lún quá sâu vào các trận thua, không đủ khả năng chi trả khoản vay nóng. Đồng thời, nhờ cách này, không ít món đồ đem cầm cố có thể được chủ tiệm mua lại với giá cực "hời".
"Nếu khách không có tiền chuộc tài sản thì bán lại cho tiệm cầm đồ. Lúc này, mức giá mua sẽ do chủ tiệm đặt ra, thường thì giá mua lại rất rẻ", T.N cho hay.
Không có tài sản cầm cố, những con bạc có nhu cầu vay nóng tiền mặt, hay cầm cố giấy tờ tùy thân cũng dễ dàng tìm được các cửa hàng cho vay tài chính tại nhiều điểm trên đường Cầu Giấy, Kim Giang, Thụy Khuê (Hà Nội). Tuy nhiên, mức lãi suất vay có thể lên tới 20%/ngày.
Các cửa hàng dạng này thường nhắm đến những đối tượng thua cá độ là sinh viên, người lao động thu nhập ít.
Trên chợ mạng, các tiệm cầm đồ online cũng "mọc lên như nấm sau mưa" sau khi các trận đấu bóng World Cup 2018 diễn ra. Chỉ cần bấm vào mục tìm kiếm, kết quả cho dịch vụ cầm đồ online nhanh chóng hiện ra với những mức ưu đãi khác nhau.
Tuy nhiên, trên các chợ này, đa phần chủ tiệm ưa chuộng điện thoại cầm cố và thêm dịch vụ nhận mua lại điện thoại giá rẻ.
Nhiều chủ tiệm sau tuần đầu tiên của mùa giải World Cup đã bắt đầu rao bán lại điện thoại khách không thể chuộc hoặc đã "bán thống, bán tháo" cho tiệm. Trong đó, những chiếc SamSung các đời S7 edge, J5, A5 hay A9Pro mới đến 90% chỉ còn mức từ 2 – 5 triệu đồng/máy.
Đắt tiền hơn, những chiếc iPhone được bán lại với giá từ 5 triệu đồng, tùy từng loại.
Khốn đốn vì vay lãi nóng, cầm đồ cá độ mùa World Cup
Tâm lý đường cùng, "khát" tiền, thủ tục vay đơn giản, không ít người đứng trước nguy cơ… "ôm" thêm cục nợ khi sa vào con đường cá độ, vay nóng tài chính.
Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Huỳnh Bá Minh (văn phòng Luật sư Minh Trí, Hà Nội) phân tích, các con số mà chủ tiệm cầm đồ, vay lãi đưa ra tạo cảm giác lãi xuất thấp, chỉ vài chục nghìn đồng thì không đáng kể. Nhưng sự thật, thì mức lãi rất cao. Thậm chí, nhiều nơi thực hiện chính sách mỗi lần bị chậm trễ đóng lãi quá 1, 2 ngày, người vay bị phạt lên mấy chục %.
"Đơn cử, nếu vay 10 triệu đồng, trung bình mỗi ngày dân vay nợ trả từ 150.000 – 200.000 đồng tiền lãi, một mức quá cao. Khi không thể trả được, thì nguy cơ mất trắng tài sản và ôm thêm khoản nợ là điều khó tránh. Trong khi đó, người vay thường không dám nhờ đến pháp luật can thiệp khi có tranh chấp, thường sẽ chấp nhận mất tiền, mất của", LS Minh nói.
Theo Hoàng Linh (Nhịp Sống Kinh Tế)