Thị trường vàng nóng trở lại, vì sao?

31/05/2021 10:42:50

Gần một tháng trở lại đây, giá vàng liên tục tăng, thậm chí đã lên mức cao nhất trong 10 tháng qua và chưa có dấu hiệu sụt giảm. Nguyên nhân nào khiến thị trường vàng nóng? Do đồng tiền kỹ thuật số (tiền ảo) lao dốc, lãi suất USD giảm liên tiếp hay e ngại về nền kinh tế Mỹ, châu Âu chưa thể phục hồi?

Giá vàng cao nhất 11 tháng qua

Tại phiên giao dịch ngày 30/5, giá vàng tiếp tục tăng giá. Giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 56,4 - 56,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) và tiếp tục tiến sát mốc 57 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá cao nhất trong vòng gần một năm qua.

Dù giá vàng liên tiếp tăng giá nhưng theo khảo sát của PV Tiền Phong tại các phố vàng Hà Nội như Trần Nhân Tông, Cầu Giấy, Hà Trung, nhu cầu mua vàng của người dân không tăng mạnh. Tại các cửa hàng không có việc nhà đầu tư xếp hàng mua vàng mỗi khi sốt giá như trước kia.

Chị Nguyễn Hằng - nhân viên cửa hàng vàng tại phố Trần Nhân Tông cho biết, từ đầu năm tới nay, giá vàng liên tiếp giảm khiến người mua không mặn mà. Những ngày gần đây, khi giá vàng tăng, khách chủ yếu đến bán vàng. Số lượng người mua không có gì đột biến.

Giá vàng trong nước tăng do chịu tác động từ đà tăng của giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới đã vượt mốc 1.900 USD/ounce và trụ vững trên mốc này trong gần một tuần qua. Một trong những nguyên nhân khiến giá vàng thế giới tăng mạnh trở lại là do Quỹ đầu tư tín thác vàng SPRD Gold Trust từ đầu tháng 5 đến nay đã mua 25,58 tấn vàng. Đây là cú đảo chiều của quỹ đầu tư vốn được xem là “cá mập” trên thị trường vàng thế giới sau 2 tháng liên tiếp bán tháo. Theo một số nhà phân tích kỹ thuật, giá vàng trong tương lai gần có thể bật lên mức 1.900 - 1.950 USD/ounce, thậm chí giá vàng thế giới có thể quay trở lại mốc 2.000 USD/ounce. Các chuyên gia tham gia khảo sát của trang tin Kitco News dự báo, giá vàng sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc nhà đầu tư rời bỏ tiền điện tử và quay trở về với vàng.

Thị trường vàng nóng trở lại, vì sao?

Tính từ đầu tháng 5/2021, giá vàng thế giới tăng khoảng 1,7 triệu đồng/lượng, trong khi đó giá vàng miếng SJC chỉ tăng khoảng 700.000 đồng/lượng. Do mức điều chỉnh giá vàng miếng thời gian gần đây rất thấp, không tương xứng với đà tăng của giá vàng thế giới, độ vênh giữa giá vàng miếng và vàng thế giới được thu hẹp đáng kể, hiện chỉ còn 4 triệu đồng/lượng. Biên độ giữa 2 thị trường này đã giảm từ 2-3 triệu đồng/lượng so với giai đoạn trước.

Một số chuyên gia cho rằng việc giá vàng miếng thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới là do lực cầu trên thị trường trong nước yếu. Vào một số thời điểm giá vàng tăng, nhiều khách hàng tranh thủ chốt lời. Số lượng khách hàng bán ra nhiều hơn mua khiến giá vàng miếng khó có thể tăng cao.

Tăng vì sợ tiền ảo biến động, USD?

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, trong tháng 5/2021, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Đến hết tháng 5/2021, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.837 USD/ounce, tăng 4,38% so với tháng trước đó. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 5/2021 tăng 1,68% so với tháng trước và tăng 13,02% so với cùng kỳ năm 2020. Bình quân 5 tháng đầu năm 2021 tăng 19,24%.

“Các đồng tiền kỹ thuật số sụt giá mạnh khiến dòng tiền có xu hướng đổ vào thị trường vàng. Cùng với đó, đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục giảm là những yếu tố tạo đà cho vàng tăng giá. Bên cạnh đó, giới đầu tư lo ngại về tình hình tài chính của Mỹ và các nước châu Âu cũng làm tăng tính hấp dẫn của vàng”, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết.

Cũng theo đơn vị này, đồng USD trên thị trường thế giới giảm do giới đầu tư lo ngại về lạm phát của Mỹ gia tăng. Tính đến cuối tháng 5/2021, chỉ số USD trên thị trường quốc tế đạt mức 90,39 điểm, giảm 1,36 điểm so với tháng trước. Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bảo đảm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nhập khẩu, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23.160 VND/USD. Chỉ số USD tháng 5/2021 giảm 0,21% so với tháng trước; giảm 1,15% so với cùng kỳ năm 2020. Bình quân 5 tháng đầu năm 2021, chỉ số USD giảm 0,85%.

Một trong những nguyên nhân khiến giá vàng tăng là việc giá Bitcoin lao dốc. Phiên giao dịch ngày 30/5, thị trường tiền ảo đồng loạt giảm giá. Đồng tiền đứng đầu thị trường về giá trị vốn hóa Bitcoin giảm 1,39%; được niêm yết với giá 34.404 USD/Bitcoin. Từ mức đỉnh kỷ lục hơn 64.000 USD được thiết lập vào ngày 14/4, giá Bitcoin giảm khoảng 47%. Một trong những nguyên nhân khiến Bitcoin sụt giảm là do Trung Quốc thông báo sẽ siết chặt hoạt động khai thác Bitcoin. Các sàn giao dịch tại Trung Quốc cảnh báo rủi ro với các nhà đầu tư về các giao dịch hợp đồng tương lai có dùng đòn bẩy.

Trước đó, nhiều quốc gia cũng cảnh báo, giao dịch có liên quan đến Bitcoin đều mang tính đầu cơ và đồng tiền điện tử này có sự biến động quá thất thường.

"Các đồng tiền kỹ thuật số sụt giá mạnh khiến dòng tiền có xu hướng đổ vào thị trường vàng. Cùng với đó, đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục giảm là những yếu tố tạo đà cho vàng tăng giá. Bên cạnh đó, giới đầu tư lo ngại về tình hình tài chính của Mỹ và các nước châu Âu cũng làm tăng tính hấp dẫn của vàng".

Đại diện Tổng cục Thống kê

Theo Ngọc Linh (Tiền Phong)

Nổi bật