Thời điểm này, không khí Tết bắt đầu nhộn nhịp, tấp nập “kẻ bán người mua”. Các siêu thị, cửa hàng, ki-ốt kinh doanh... trên địa bàn Hà Nội được trưng bày những kệ hàng Tết rực rỡ sắc màu thu hút người tiêu dùng đến tham quan, chọn mua. Theo khảo sát của phóng viên, năm nay hàng hóa Tết được bày bán phong phú về chủng loại, mẫu mã, chất lượng đảm bảo, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các sản phẩm bánh kẹo được người tiêu dùng chọn mua nhiều chủ yếu là các thương hiệu: Bibica, Kinh Đô, Hải Hà...
Tuy nhiên chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh đã liên tiếp bắt giữ nhiều tấn hàng hóa tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, không đảm bảo an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ và không hề có hóa đơn chứng từ.
Bên cạnh đó, các loại thực phẩm phục vụ tết như: thịt gà, giò, thịt lợn, phủ tạng... “3 không” (không nhãn mác, không xuất xứ, không hạn sử dụng) được bày bán tràn lan trên thị trường trong những ngày cận Tết Dương lịch và Âm lịch 2020.
Cụ thể, vào chiều tối 20/12, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra đột xuất một căn nhà trọ tại địa bàn phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội. Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hàng loạt đùi gà tây đông lạnh đã bốc mùi hôi thối đang được cơ sở này sơ chế để bán ra thị trường.
Cơ quan chức năng phát hiện trên chiếc xe tải của cơ sở này còn hàng chục thùng đùi gà tây đông lạnh. Tất cả đều không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trên sản phẩm đã xuất hiện dấu hiệu nấm mốc, hư hỏng. Theo ông Phan Duy Vĩnh, Đội trưởng Đội QLTT số 28: "Số hàng này khoảng 1 tấn, nhập từ nước ngoài về và không có nhãn phụ bằng chữ Việt Nam".
Ngay ngày hôm sau, ngày 21/12, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện 300 kg trứng non và 902 kg vịt đã thịt, không có giấy tờ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo một cán bộ Trạm chăn nuôi và thú ý quận Tây Hồ, ghi nhận cảm quan tất cả không đảm bảo vệ sinh, bao bì, điều kiện bảo quản. Qua khai nhận, số vịt, trứng non này được thu mua ở Quảng Ninh và chuyển về tập kết tại kho rồi bán cho các nhà hàng.
Đại diện Đội Quản lý thị trường số 11 cho biết, số hàng này bao bì có gắn chữ nước ngoài có dấu hiệu nhập lậu về Việt Nam và bốc mùi không đảm bảo vệ sinh.
Không chỉ vậy, tại các khu chợ, bánh kẹo, mứt, ô mai, hạt dưa, hạt dẻ cười, hạt điều cho đến các loại thịt bò khô, gà khô… được bày bán tràn lan và đều có đặc điểm chung “3 không”: Không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng. Mỗi sản phẩm được đóng trong túi ni lông to và không có bất kỳ thông tin gì, ngoài mấy chữ: Mứt bí, mứt dừa, hạt dẻ, ô mai… Nhiều loại ô mai, mứt còn được chủ cửa hàng đổ vào khay, phơi trần, không hề được che đậy, gây lo ngại về mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để hạn chế và từng bước đẩy lùi nguy cơ mất an toàn, vệ sinh thực phẩm, ngoài nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng, phải có sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan truyền thông và chính quyền địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm. Cùng với việc kiểm soát chất lượng thực phẩm, cần tăng cường thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm theo kế hoạch và đột xuất, tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Về phía người dân, kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn, đồng thời nâng cao ý thức đấu tranh, dũng cảm tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm.
Theo Hạ Linh (SHTT)