10h30 sáng ngày 8/6 (4/5 âm lịch), những quầy hoa quả, xe thồ hoa quả và hàng rong bán cơm rượu nếp tại một số chợ như Cầu Giấy, Nam Trung Yên, Trung Kính… đã vợi bớt khá nhiều mặt hàng.
Những mặt hàng được mua nhiều nhất trong dịp này thường là cơm rượu nếp, thịt vịt, bánh tro, các loại hoa quả… Trong các mặt hàng vừa kể, rượu nếp, cơm nếp cẩm là mặt hàng được người tiêu dùng tìm mua nhiều nhất trong dịp này.
Rượu nếp cẩm (hay còn gọi là nếp tím) nguyên liệu đắt và có vị đặc biệt nên giá cao hơn rượu nếp trắng. Những người sành ăn thường chọn nếp tím bởi hương vị của nó rất đậm đà. Nếp trắng có giá 60.000 đồng – 70.000 đồng/kg, còn nếp cẩm có giá 90.000 đồng – 100.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Hoa – một người bán rong rượu nếp, cơm nếp cẩm cho biết: Chủ một quầy hàng bán rượu nếp trong chợ Cầu Giấy cho hay: “Từ 2-3 hôm nay, nhiều người đã bắt đầu đi mua rượu nếp về cúng. Gía rượu nếp trắng dao động từ 60.000-70.000đ/1kg, rượu nếp cầm có giá nhỉnh hơn dao động từ 90.000 – 100.000 đồng/1kg. Tuy có giá đắt hơn hẳn rượu nếp trắng nhưng rượu nếp cẩm vẫn được mọi người chọn mua nhiều hơn”.
Đứng thứ hai trong số các mặt hàng được tìm mua trong dịp Tết Nguyên đán là mận hậu. Ngày thường, mận hậu có giá từ 25.000 – 30.000 đồng/1kg, nhưng càng gần ngày Tết Đoan Ngọ, giá của loại mận này càng tăng cao. Sáng nay, giá mận hậu được bán tại các chợ đã tăng lên từ 50.000 – 60.000 đồng/1kg.
Mặt hàng tiếp theo được cho là bán khá chạy trong dịp này là thịt vịt. Theo quan niệm dân gian trong lễ tết Đoan Ngọ mọi người thường cúng thịt vịt vì vịt là con vật sống dưới nước ăn vào cơ thể mát mẻ có thể điều hòa âm dương, giảm nóng bức trong mùa hè.
Trong các sạp thịt tươi sống được bày bán rất nhiều vịt làm sẵn với đủ chủng loại, to nhỏ. Thịt vịt sau khi được làm sạch ngày thường có giá 60.000 đồng/1kg nay được bán với giá 70.000 -75.000 đồng/1kg. Mặc dù giá cao như vậy, nhưng một số quầy hàng vẫn khan hiếm không có vịt để bán.
Chị Trần Phương Nhi, một vị khách mua hàng tại chợ Nam Trung Yên cho biết: “Thịt vịt bắt đầu béo ngậy, thơm ngon hơn kể từ ngày mùng 5/5 âm lịch trở đi. Chính vì vậy, năm nào gia đình tôi cũng mua vịt về làm cơm thắp hương trong dịp Tết Đoan Ngọ”.
Cùng với các mặt hàng kể trên, bánh tro, vải thiều, xoài, măng cụt… cũng được nhiều bà nội trợ chọn mua trong dịp này. Bán tro đủ loại (không nhân, nhân ngọt, nhân mặn, bánh lớn, bánh nhỏ) có giá từ 40.000 – 80.000 đồng/chục. Giá mỗi cân vải dao động từ 25.000 đồng – 30.000 đồng/kg (cao hơn ngày thường 10.000 đồng). Dưa hấu có giá 15.000 đồng/kg (cao hơn ngày thường 3.000 đồng)…
Ở Việt Nam, Tết Đoan ngọ được được coi là Tết diệt sâu bọ và thờ cúng tổ tiên. Người Việt Nam còn gọi Tết Đoàn Ngọ là “Tết giết sâu bọ” vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Vào ngày này, dân gian có nhiều tục trừ trùng phòng bệnh. Tết Đoan Ngọ cũng là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp đầm ấm.Ngoài ra, ngày Đoan Ngọ là ngày dân chúng cúng lễ để đánh dấu một thời tiết mới, mừng sự trong sáng, quang đãng, đồng thời để cầu bình an. |